pic_top pic_top1 pic_top3 pic_top4

""

NỘI DUNG TRỌNG YẾU CỦA VÕ ĐẠO

14:16:3507/03/2019

NỘI DUNG TRỌNG YẾU CỦA VÕ ĐẠO

(Trích trong Sách Lịch sử Võ học Việt Nam – XB năm 2012)

 

“Điều đáng sợ nhất của ĐỜI NGƯỜI là sự VÔ ĐẠO.

Điều đáng sợ nhất của CON NHÀ VÕ là thiếu VÕ ĐẠO”…

     Theo quan niệm của Triết học cổ điển phương Đông: “ĐẠO” tức là cái luật quân bình của vũ trụ, chi phối cả vạn vật, luôn tự thân tầm soát một cách giác tính, không cho ta làm bất cứ một việc gì thái quá. Nói theo nghĩa khác nó còn có “thiên chức” điều chỉnh, cân bằng những hành động thái quá, tích hợp các mối quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với xã hội, lập nên thế quân bình để giúp con người luôn hướng đến cái THIỆN, xa lánh cái ÁC.

     Theo Kinh Dịch, “Đạo” còn đi đôi với “Đức”. Đạo và Đức là 2 phạm trù cơ bản luôn song hành với nhau như hình với bóng và bổ khuyết, hoàn thiện lẫn nhau, đồng thời là điểm xuất phát, là hạt nhân tiêu biểu để soi rọi mọi nhân sinh, là thước đo bản chất con người và là con đường thiên lý để định tâm, dìu dắt con người đi đến “Chân – Thiện – Mỹ”. Vì lẽ đó mà cổ nhân đã đúc kết mối quan hệ tương tác và tính chất cao diệu, vừa bao hàm cả những đấng siêu hình, vạn biến, lẫn các giá trị đích thực gần gũi của đời thường, luôn hiện hữu, song hành giữa chữ “Đạo” và chữ “Đức”.

     Tựu trung: “Muốn cầu hiền tài thì phải có Đức, còn muốn cầu Thánh nhân thì phải có Đạo”.

     Trong thực tế từ ngàn xưa, có nhiều đấng minh quân cầu hiền tài rất thành công, bởi bản thân họ là những chính nhân quân tử, Đức, Đạo đủ đầy, được mọi người tin tưởng, tôn kính, nên sẵn lòng đem hết tài trí và cả tính mạng, của cải, để phò giúp hoặc cứu nguy một cách vô điều kiện. Nhưng ngược lại cũng có không ít người quyền cao, chức cả, “trải thảm đỏ” mời gọi, hứa hẹn, phỉnh dụ đủ điều, nhưng cuối cùng không có anh tài nào phò giúp cả, nếu có chăng cũng chỉ là phường bất tài, tiểu nhân, xu nịnh, không thể làm nên việc lớn. Bởi một điều rất dễ hiểu là ở họ luôn thiếu vắng 2 chữ Đạo và Đức.

     Vì vậy, nên người xưa có câu: “Đạo và Đức là cái gốc của mọi cái gốc, là nền tảng vững bền, trường tồn vĩnh cửu của mỗi Quốc gia, Dân tộc”, nếu “cái gốc” bị lung lay, thì “thân cây” rất dễ đổ ngã.  

     Nếu đem so sánh một cách biện chứng, thì Đạo được xem như một phạm trù mang tính chất siêu tự nhiên, trừu tượng, khó hiểu, thì Đức chính là cái thể hiện của Đạo, là cái có thể nhận thức, hiểu biết được. Vì vậy mà các nhà hiền triết và các bậc cao đạo về Võ học của phương Đông còn gọi “Võ Đạo” là “Võ Đức”, nhằm cụ thể hóa một cách sát hợp, dễ hiểu, dễ biết, giúp mọi người có thể hình dung, nắm bắt, áp dụng một cách sát thực vào cuộc sống thường nhật, vào hành trình tu dưỡng, rèn dũa đạo đức hàng ngày của những “tín đồ” đã và đang dấn thân vào con đường võ nghiệp.

     Cũng theo các bậc triết gia, Võ Đạo còn bao hàm cả các đức tính cao thượng về Trí – Nhân – Dũng. Bởi “Trí giả bất cảm”, “Nhân giả bất ưu”, “Dũng giả bất cự” (người có hiểu biết rộng, không bị tình cảm chi phối, người có tấm lòng nhân từ, không lo sợ sầu não, người có dũng khí can trường, không khuất phục trước hiểm nguy)

     Sau này một số luận thuyết trong “Đạo Đức Kinh” còn coi Đạo - Đức là bản thể, là nguồn gốc, là bản chất sâu kín, bao trùm vạn vật và luôn hiện diện trong tất cả mọi sự vật, trong đời sống của mỗi con người. Còn xét riêng đối với Đạo: Con người chỉ có thể cảm thụ nó bằng trí tuệ, bằng tư duy thực tại (khách quan).

     Theo đó, Đạo vừa là qui luật chi phối sự vận động, biến hóa của vạn vật trong vũ trụ, vừa là bản nguyên của vũ trụ, đồng thời là qui luật vận hành của vũ trụ. Hay nói cách khác, Đạo là “gốc rễ” sinh thành của vũ trụ, đồng thời mang đầy đủ các thành tố cơ bản của những qui luật tất yếu luôn vận động, tồn tại một cách khách quan trong vũ trụ và trong mỗi con người.

    Chính vì vậy, nên cho dù ở bất cứ nơi đâu, bất kỳ thời điểm, hoàn cảnh nào, nó cũng hàm chứa đầy đủ ý nghĩa nhân văn cao cả và hướng dẫn con người đạt đến sự cao đẹp, nhân từ, hoàn mỹ.

     Còn về Học thuyết Âm – Dương, thì lại có những quan điểm bao quát, toàn diện hơn về “Đạo” và dẫn chứng: Theo “Đồ hình Thái cực” ta nhìn thấy có 2 phần bằng nhau, 1 phần Âm (màu đen), 1 phần Dương (màu trắng) mỗi phần được bao bọc bởi một vòng tròn nhỏ – cái đó còn được gọi là “Đạo” – tức là nguyên lý chỉ huy và điều hòa 2 lực lượng kia. Nếu nhìn kỹ, ta sẽ thấy có 2 điểm tròn nhỏ (1 điểm Âm trong phần Dương, 1 điểm Dương trong phần Âm). Điểm này là điểm cực kỳ hệ trọng, nó chính là “hột chủng tử”. Chính nó là nguyên nhân của những mâu thuẫn nội tại và liên quan đến tất cả các sự vật đang tồn tại trong vũ trụ.

     Vì thế, nên trên đời này không có một sự vật gì là thuần tốt, hay thuần xấu, thuần lợi hay thuần hại, thuần phải hay thuần quấy, thuần thiện hay thuần ác… Nói cách khác, 2 lẽ Âm – Dương ấy luôn có một “lực lượng thứ ba” vừa bí ẩn, vừa hiện thực, nằm ở cả 2 bên và mãi mãi không bao giờ chia lìa, xa bỏ nhau và luôn có “phận sự” điều tiết, chi phối, chuyển thể 2 lực lượng kia, theo sự vận động không ngừng của Trời – Đất, của qui luật Âm – Dương tương hợp... Toàn bộ những thuộc tính và hình thức biểu hiện đó được gọi là “Đạo”.

     Vận dụng các qui luật nêu trên, nhất là pháp thuật “Cương – Nhu phối triển”, sách “Binh thư yếu lược” còn lý giải rõ, trong đó một số nguyên lý có liên quan đến võ học: Đức tính của người võ tướng kỳ tài là luôn cứng rắn mà không bị bẻ gãy, mềm mỏng mà không bị giày vò. Cho nên có thể dùng yếu để chống mạnh, dùng mềm để chống cứng. Mềm mãi, yếu mãi thì sẽ bị tướt đoạt. Cứng mãi, mạnh mãi thì sẽ bị thất bại. Không cứng, không mềm đó là lẽ thường trong Võ Đạo, trong phép thuật dụng binh, giữ nước. Phải nhuần nhuyễn trong cả 2 thuật cứng – mềm (cương – nhu), phải bao gồm cả nghề văn, nghiệp võ. Trước hết phải dùng Đức, rồi mới dùng Võ…” 

     Nếu nhìn một cách toàn cục, sâu xa, thì ngay từ buổi ban đầu dựng nước đến mãi sau này, cụm từ “ĐẠO - ĐỨC” luôn được các bậc Thánh nhân, quân tử và các thế hệ người Việt đặt lên hàng đầu, bởi theo quan niệm của Tổ tiên chúng ta: Con người sinh ra vốn thiện, có tính hướng thiện (Nhân chi sơ, tính bản thiện), nếu được giáo dục, răn dạy đến nơi, đến chốn thì tính THIỆN sẽ lấn áp, hạn chế và dần dần thủ tiêu tính ÁC.

    Như vậy, Đạo - Đức là cái gốc, là thước đo nhân phẩm của mỗi con người và là nền tảng bền vững của xã hội, tương lai tươi sáng bền vững của đất nước. Đức tính này được thể hiện khá rõ nét trong đời sống xã hội và trở thành truyền thống nhân văn cao đẹp của dân tộc ta, không chỉ trong mối quan hệ giữa con người với con người, con người với các sinh vật khác, mà còn cả với kẻ thù nữa (Đây là bài học còn nguyên giá trị không chỉ cho hôm nay mà cho cả mai sau).

     Trong chiến tranh vệ quốc, các bậc Tiên Đế, anh hùng dân tộc đại võ công, võ tướng, võ quan, chiến binh, nghĩa sĩ của ta, nhờ thấm nhuần đạo lý ngàn đời của dân tộc và đức tính cao đạo của con nhà võ, nên khi giao chiến với kẻ thù, thì chiến đấu kiên cường, oanh liệt, sẵn sàng xả thân vì đại nghĩa, nếu kẻ địch ngoan cố thì truy diệt đến cùng, nhưng khi quân thù bại trận, đầu hàng thì đối xử khoan dung, độ lượng, nhân từ, thậm chí còn “mở đường sống” cấp xe, ngựa, lương thảo, để kẻ chiến bại được sống và trở về cố quốc.

     Trong sách “Việt sử tiêu án” và một số di khảo, thư chí của Trung Quốc cổ cũng đã đề cập đến lòng nhân ái, vị tha của Tổ tiên ta, nhất là dưới triều đại nhà Ngô (Ngô Quyền) đã đối xử nhân đức với tàn quân Nam Hán, trong trận đại thắng Bạch Đằng giang lừng lẫy chiến công.

     Sau này nhà Trần (Đức Thánh Trần Hưng Đạo) cũng đã hành xử trượng phu với đội quân thất trận Nguyên – Mông khét tiếng bạo tàn. Nhà Lê (Vua Lê Lợi) tha mạng sống, cấp lương thảo, ngựa thồ cho giặc Minh trở về cố quốc. Nhà Tây Sơn (Vua Quang Trung) cấp phương tiện cho hàng binh, tù binh về nước, lập đàn tế độ vong linh cho tướng sĩ nhà Thanh bị tử trận…

     Theo sách “Lịch sử Việt Nam” và “Lịch sử Quân sự Việt Nam”: Sau đại thắng ở Chi Lăng, Tụy Động, Tây Đô, Đông Đô… quân ta đã bắt sống, quân giặc bị thương không chạy được, số xin đầu hàng lên đến hàng chục vạn, trong đó có Thượng Thư Hoàng Phúc, Đô Đốc Thôi Tụ, Đô Ty Vi Lượng cùng nhiều võ tướng, cấp chỉ huy khác. Bấy giờ, nhiều gia đình có người thân bị giặc Minh giết hại, đến xin giết bọn hàng tướng để báo thù. Vua Lê Lợi truyền dụ rằng: “Phục thù, báo oán là lẽ thường tình của mọi người, mà không thích giết người là bản tâm của người nhân giả… Thỏa mối giận một buổi, để mang tiếng giết kẻ hàng đến muôn đời, chi bằng để sống ức vạn người, để dứt mối chiến tranh cho đời sau, sử xanh ghi chép, thiên cổ truyền thơm, há chẳng lớn hơn sao !”.

     Sau đó ông hạ lệnh cấp 500 thuyền cho bọn Phương Chính, Mã Kỳ về đường thủy, cấp lương thảo và mấy ngàn con ngựa cho bọn Mã Anh đi đường bộ về trước. Vương Thông cùng lãnh bộ binh đi sau… Khi về đến cố quốc, vua Minh bắt tội bọn hàng tướng, luận tử tội bắt giam, tịch thu gia sản bọn Vương Thông, Trần Trí, Mã Anh, Phương Chính, Sơn Thọ, Mã Kỳ…

     Đến thời Tây Sơn (Vua Quang Trung) còn mở rộng nhân từ đối với quân Thanh. Khi hàng binh, tù binh bị thương, ông cho chữa trị, dưỡng thương, số chết ông cho chôn cất tử tế, cho thiết đàn cúng cầu siêu các vong linh được siêu thoát, số đầu hàng được cấp lương thảo cho về nước an toàn.

     Ngay sau khi kết thúc cuộc quyết chiến chiến lược, đại thắng quân Thanh, giải phóng Kinh thành Thăng Long vào mồng 5 Tết năm Kỷ Dậu, Hoàng Đế Quang Trung đã đưa các anh hùng, nghĩa sĩ của nhà Tây Sơn anh dũng hy sinh trên chiến trường về an táng tại vùng “Thập Tam Trại” tọa lạc ở phía Tây Kinh Thành (thuộc khu vực Chùa Kim Sơn, phố Kim Mã, Hà Nội hiện nay) và tổ chức lễ cầu siêu, ghi bia tưởng niệm, thờ tự (nhưng sau khi nhà Tây Sơn sụp đổ, để tránh hệ lụy người dân nơi đây đã đổi tên Tây Sơn tự thành Kim Sơn tự và từ đây việc gìn giữ, thờ tự cũng bị lãng quên, mãi đến sau này Nhà Chùa và Chính quyền địa phương mới dựng lại cột bia, ghi dấu nơi an táng các anh hùng, nghĩa binh Tây Sơn…), đồng thời tổ chức đại lễ kính cáo Trời – Đất, khao quân, mừng chiến thắng (CÒN TIẾP).

 

     RẤT MONG CON NHÀ VÕ NÓI RIÊNG VÀ MỌI NGƯỜI, NHẤT LÀ THẾ HỆ TRẺ VIỆT NAM HÃY QUAN TÂM ĐẾN NỘI DUNG NÀY ĐỂ GÓP TÂM VÀ SỨC, ĐẠO VÀ ĐỨC BỒI ĐẮP NHÂN TÂM TỐT ĐẸP, KIẾN TẠO XÃ HỘI THÂN THIỆN, DỰNG XÂY ĐẤT NƯỚC PHỒN VINH, HÙNG CƯỜNG (TG).

Tin cùng chuyên mục
picture

TS. Phạm Đình Phong

Viện trưởng kiêm ban QT

picture
picture
picture
picture
picture
picture
picture
picture