pic_top pic_top1 pic_top3 pic_top4

""

SỰ THỜ Ơ VỚI KIẾN THỨC TỰ VỆ LÀ NGUỒN GỐC TIỀM TÀNG HIỂM NGUY ĐỐI VỚI THẾ HỆ TRẺ HIỆN NAY

14:17:0712/07/2021

Tự vệ là một phần quan trọng trong võ thuật, nội dung tự vế gắn liền với đời sống hằng ngày của chúng ta. Đặc biệt, nó rất hữu ích và thực chiến trong những tình huống hiểm nguy mà mỗi người có thể bắt gặp bất cứ khi nào. Trong thế giới hiện đại, võ thuật tự vệ rất được một bộ phận người quan tâm, trong đó có các bạn trẻ. Nhưng phần lớn mọi người vẫn chưa coi trọng võ thuật tự vệ, thậm chí không có kiến thức và thực hành về võ thuật tự vệ. Từ đó khiến cho võ thuật tự vệ dần dần bị biến tướng và mất dần hiệu quả.

Tự vệ là một phần quan trọng trong võ thuật, nội dung tự vế gắn liền với đời sống hằng ngày của chúng ta. Đặc biệt, nó rất hữu ích và thực chiến trong những tình huống hiểm nguy mà mỗi người có thể bắt gặp bất cứ khi nào. Trong thế giới hiện đại, võ thuật tự vệ rất được một bộ phận người quan tâm, trong đó có các bạn trẻ. Nhưng phần lớn mọi người vẫn chưa coi trọng võ thuật tự vệ, thậm chí không có kiến thức và thực hành về võ thuật tự vệ. Từ đó khiến cho võ thuật tự vệ dần dần bị biến tướng và mất dần hiệu quả.

1. THỰC TRẠNG CỦA VẤN ĐỀ TỰ VỆ CỦA THẾ HỆ TRẺ HIỆN NAY

Việt Nam được nhiều bạn bè quốc tế biết đến là một đất nước đoàn kết, tương thân tương ái... Tỉ lệ các vụ cướp của, hiếp dâm, hành hung vẫn khá thấp nếu so với nhiều nước khác trên thế giới. Nhưng ở Việt Nam, mỗi ngày vẫn xảy ra các vụ trộm cướp, xung đột, ẩu đả, bạo lực... ở khắp các địa phương, tỉnh thành trên cả nước. Đối với bất cứ trường hợp nào, rủi ro nào, dù chỉ là một cuộc xô xát trên đường phố, trường học hay bạo hành gia đình…là điều mà mỗi chúng ta luôn phải quan tâm. Nó sẽ không loại trừ bất kỳ ai, nó đến bất cứ khi nào vả xảy ra bất kể ở đâu.

Trong mọi hoàn cảnh cuộc sống, chúng ta không quyết định chuyện gì sẽ xảy ra, đặc biệt là các trường hợp hiểm nguy, từ việc chúng ta sẽ bị ai cướp, ai bắt nạt, sẽ bị đe dọa và hành hung ở đâu và như thế nào... Thứ duy nhất chúng ta có thể quyết định được, đó là chúng ta chọn tập luyện võ thuật để trở thành một người biết tự vệ hay tiếp tục thờ ơ với võ thuật để trở thành một nạn nhân trong các tình huống đó. Sự lựa chọn này cực kỳ quan trọng, vì nó quyết định cuộc sống của chúng ta sẽ diễn ra như thế nào trong tương lai.

Để tự bảo vệ mình, hầu hết chúng ta đều biết cách làm thế nào để hạn chế và phòng tránh nguy hiểm. Như hạn chế xung đột, ẩu đả với người khác, cho đến việc tránh ra đường vào đêm khuya một mình... Mặc dù biết là như thế, nhưng có rất nhiều người vẫn chủ quan, không chuẩn bị và sẵn sàng cho việc xử lý khi bạo lực và hiểm nguy thực sự ập đến. Họ tỏ ra lúng túng và thụ động trong các tình huống xảy ra, điều này là do tâm lý sợ hãi gây nên. Một phần là chúng ta chỉ mới “phòng” mà chưa thực sự “chống” được. Bởi vì, tỉ lệ người tập luyện võ để tự vệ cho bản thân và có kiến thức thực hành tự vệ quá thấp!

Ở mọi góc cạnh của xã hội, khi chúng ta nhìn vào đó đều thấy rõ ràng sự tiềm ẩn của nguy cơ bạo lực, nguy cơ trộm cướp... Tiêu biểu, khi một đứa bé không được học võ thuật sẽ rất dễ dàng trở thành nạn nhân của bạo lực học đường. Vấn đề bạo lực trong học đường là thực trạng báo động ở nhiều quốc gia, kể cả các nước có nền giáo dục tốt hay làm công tác tư vấn tâm lý học đường tốt. Ở tất cả các cấp học và lớp học khác nhau, tình trạng bạo lực luôn chờ đợi thời cơ để xảy ra. Bạo lực học đường không chỉ xảy ra đối với nam sinh mà cả nữ sinh cũng không ngoại lệ. Không dừng lại giữa học sinh với học sinh, còn có bạo lực giữa học sinh với giáo viên. Thực tế là có nhiều vụ bạo lực học đường đã vượt quá giới hạn ẩu đả thông thường để trở thành các vụ việc vi phạm pháp luật.

Nạn nhân của bạo lực học đường không loại trừ nam hay nữ (Ảnh minh họa/Internet)

Ngoài ra, sự phát triển nhanh và mạnh của kinh tế thị trường đã tác động không nhỏ tới cuộc sống của lớp trẻ. Ảnh hưởng từ phim ảnh, trò chơi điện tử, văn hóa du nhập… Những thanh niên chìm đắm trong game, những thú chơi vô bổ đã chịu những tác động tiêu cực từ nó. Bên cạnh đó, đặc điểm tâm lý và tính cách của lớp trẻ đang trong giai đoạn phát triển mạnh về thể chất và tâm lý, muốn tự khẳng định mình và hiếu động đã khiến các bạn trẻ có những hành động không đúng với chuẩn mực của xã hội. Khi đối diện với tệ nạn xã hội, các bạn trẻ hoàn toàn không thể ứng biến khi trở thành nạn nhân của sự trấn lột, trộm cướp, bạo lực... Nếu có phản ứng thì đó chỉ là những hành vi mù quáng thiếu kiểm soát. Thậm chí, những người này có thể trở thành kẻ gieo rắc tội ác cho xã hội và đem tai họa đến với người khác. Nó chẳng khác những ký sinh trùng đang sinh sôi trong môi trường thích hợp. Khi chúng ta thờ ơ và vô cảm với sự việc này, là đồng nghĩa rằng chúng ta đang góp phần tạo ra một thế hệ trẻ đóng vai trò là những nạn nhân hoặc tội phạm. Vậy nên đừng hỏi tại sao tình hình bạo lực ngày càng gia tăng trong xã hội hiện đại này?

Nhiều bậc phụ huynh luôn lo lắng, băn khoăn về sự an nguy của con trẻ khi chúng tham gia các mối quan hệ ngoài xã hội. Nhất là gần đây, báo chí thường xuyên đề cập những vụ án bắt cóc, bạo lực, hiếp dâm mà nạn nhân chủ yếu là trẻ em. Chúng không có đủ khả năng, sức mạnh để phản kháng và tự bảo vệ chính mình. Không ít bậc cha mẹ phân vân liệu có nên cho con đi học võ từ khi còn nhỏ hay không?

Chúng ta đang biến một xã hội yên bình thành môi trường hoàn hảo cho tội phạm với những nạn nhân yếu ớt, chấp nhận tội ác diễn ra trước mặt mình mà không một chút phản kháng. Cuối cùng, chính chúng ta là người chịu hậu quả sau những vụ ẩu đả, trộm cướp hay mọi tình huống bạo lực khác.

2. GIẢI PHÁP ĐỂ XÃ HỘI BỚT ĐI MỘT NẠN NHÂN VÀ CŨNG BỚT ĐI MỘT TÊN TỘI PHẠM

"Một người đi tập võ là xã hội này bớt đi một nạn nhân và cũng bớt đi một tên tội phạm, bởi võ thuật còn rèn luyện đạo đức, tính tự cường và bảo vệ kẻ yếu"

Xã hội này cần tạo ra nhiều hơn nữa những người biết bảo vệ, sẵn sàng bảo vệ người khác trước mọi tình huống và sự việc hiểm nguy xảy ra. Để làm điều này, cách duy nhất đó là thái độ của mọi người dành cho võ thuật phải thay đổi. Cần phải nhìn võ thuật ở một thế giới quan tích cực hơn và tiến bộ hơn, đặc biệt phải lấy hiệu quả trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam để thúc đẩy tiến trình võ thuật hóa toàn dân, phổ biến toàn xã hội. Trong quá khứ, ở tuổi mười tám, đôi mươi, mỗi người Việt Nam đều là những chiến binh, từ khi sinh ra họ đã mang trong mình ngọn lửa chiến binh, những người sẵn sàng và quyết tâm bảo vệ gia đình, nhân dân và tổ quốc. Điều gì đã khiến họ mạnh mẽ và dũng cảm như vậy? Chính là tinh thần thượng võ được tôi luyện từ trong gian khổ, đó là những chiêu thức võ thuật được khổ luyện ngày đêm. Chúng ta có khái niệm văn võ song toàn, nhưng ngày này nhiều phụ huynh chỉ cho con mình học văn mà không học võ nên đã tạo ra một sự thiếu cân bằng trong bản chất của con người. Văn không võ thì sinh ra nhu nhược, võ không văn thì sinh ra bạo tàn. Vì vậy, văn võ phải song toàn, trong võ luôn lấy đạo đức làm nền tảng, lấy ý chí để tiến bộ và phát triển. Nếu chúng ta muốn tạo ra thế hệ trẻ biết bảo vệ và sẵn sàng bảo vệ thì chúng ta phải lấy văn võ song toàn làm chiến lược phát triển bền vững và lâu dài đối với con người.

Tạm gác sang một bên những vấn đề như "tập gì để chống dao" hay "võ gì hợp để tự vệ"... Chúng ta nên tập trung vào việc nên bắt đầu học võ để tự vệ, học như thế nào, học ở đâu... vì tất cả các môn võ không đơn thuần là một môn thể thao hay giải pháp bảo vệ bản thân. Võ thuật mang đến nhiều bài học ý nghĩa, là nguồn cảm hứng để những người luyện tập võ thuật điều chỉnh thái độ sống hướng đến cuộc sống tốt đẹp hơn. Học võ giúp trẻ có khả năng tự vệ trước mọi tình huống, bảo vệ người yếu thế, giúp cha mẹ không phải bận tâm nhiều mỗi khi con ra ngoài mà không có người lớn đi cùng (nhất là đối với con gái). Học võ theo đúng sở thích, lứa tuổi sẽ giúp trẻ khỏe mạnh, tư duy nhanh nhẹn, phản ứng linh hoạt trước các tình huống bất ngờ. Vì vậy, trẻ có thể rèn luyện, nâng cao sức khỏe từ nhỏ, mạnh dạn hơn trong mọi lĩnh vực. Các bậc phụ huynh lo rằng con cái sẽ bướng bỉnh, ngang ngược hơn do biết võ thuật là không chính xác. Thực tế đã chứng minh, nếu trẻ được rèn luyện võ thuật một cách nghiêm túc sẽ đem lại cho người học tính điềm đạm, bình tĩnh, kiên trì, bền bỉ. Vì thế, phụ huynh cần phải động viên, khích lệ kịp thời để trẻ biết ý nghĩa của việc học võ.

Học võ là một cách khẳng định sự độc lập, tự tin của trẻ. Các bậc phụ huynh nên cho con học võ khi bé đến độ tuổi nhất định, thích hợp với trẻ dưới sự tư vấn của thầy dạy võ. Nhưng quan trọng nhất là trẻ phải thực sự yêu thích học môn võ đó. Đặc biệt là nên học võ cổ truyền dân tộc Việt Nam. Vì vừa học võ, chúng ta vừa là sứ giả lưu truyền tinh hoa của Tổ tiên cho thế hệ mai sau. Hiện tại, nhiều người Việt đã tự đẩy mình vào vai trò nạn nhân khi lãng quên những giá trị vô giá của võ thuật trong đời sống mà Tổ tiên ta đã bỏ ra bao nhiêu công sức gây dựng và phát triển. Đây là vấn đề của thói quen, của tư duy và lối sống, thứ đã ăn sâu bám rễ vào con người của một xã hội chỉ biết than khóc cho những nạn nhân và chờ đợi sự cứu giúp của lực lượng chức năng. Nhiều người biết lên án cái xấu nhưng không tìm cách và giúp đỡ người khác loại bỏ nguy cơ để chính bản thân và người khác trở thành nạn nhân kế tiếp. 

Vấn đề đau đầu ấy không thuộc về của riêng bất cứ ai, bất cứ môn phái, Liên đoàn võ thuật nào, thậm chí là nó không của riêng làng võ. Nó thuộc về từng học sinh, từng phụ huynh, từng con người vẫn còn biết sợ khi một mình đi vào con “hẻm vắng”. Tất cả phải đồng lòng, đồng sức để xã hội hóa võ thuật, giúp người người, nhà nhà học võ, rèn võ, thực hành võ. Để ai ai cũng là những người biết bảo vệ và sẵn sàng bảo vệ kẻ yếu thế./.

Ngọc Lâm - Đường Long.

picture

TS. Phạm Đình Phong

Viện trưởng kiêm ban QT

picture
picture
picture
picture
picture
picture
picture
picture