HỆ THỐNG VÕ KINH – VÕ CỬ
BỘ KINH ĐIỂN VÕ HỌC UYÊN BÁC, HIẾM CÓ
GÓP PHẦN ĐÀO LUYỆN ANH TÀI KIỆT XUẤT CỦA ĐẤT NƯỚC
… Theo dòng lịch sử của dân tộc, đến thời nhà Lý (1010 – 1225), đặc biệt sau khi Lý Công Uẩn (Vua Lý Thái Tổ) dời Đô về Thăng Long (Hà Nội ngày nay), tiếp đến là nhà Trần (1225 – 1400) và triều đại Lê Sơ (1428 – 1527). Ba triều đại này, ngoài việc đánh đuổi quân thù, canh tân đất nước, mở mang dân trí, thu phục nhân tâm, dựng xây quốc gia hùng mạnh, còn dày công vun đắp, thiết kế và xây dựng các thể chế thi cử cả Văn lẫn Võ khá công phu, nghiêm túc, theo một qui trình thống nhất.
Chỉ nói riêng về lĩnh vực võ cử qui trình, trong suốt hơn 500 năm liên tục, các triều đại nói trên đã không ngừng chăm lo bồi đắp, cải cách các chế độ, qui trình, tiêu chí thi cử về võ và tiến hành mở rộng qui mô, nội dung, hình thức xây dựng các thiết chế, trường thi võ trên khắp cả nước. Nhờ vậy nên đã góp phần làm thay đổi sâu sắc diện mạo văn hóa, giáo dục và các nền tảng, chuẩn mực đạo đức xã hội, không ngừng nâng cao uy thế chính trị, sức mạnh quân sự, tiềm lực quốc phòng và làm phong phú, đa dạng các giá trị văn hóa vật chất và đời sống tinh thần của nhân dân.
Trong hàng ngàn khoa thi, kỳ thi về võ ở khắp mọi miền đất nước, đã có nhiều khoa thi, kỳ thi, trường thi được sử sách ghi nhận như những mốc son tiêu biểu, đánh dấu bước ngoặc phát triển đỉnh cao của nền giáo dục nước ta dưới thời phong kiến, trong đó có các định chế, qui trình, qui phạm, tiêu chí thi cử về Võ học.
Ngay từ sau khi định đô ở Thăng Long, nhà Lý cùng với việc tập trung ổn định nội trị, phòng chống thù trong giặc ngoài, dựng xây đất nước phồn thịnh, còn tiến hành cải tiến các phương pháp, chế độ, đẳng cấp, tiêu thức trong từng khoa thi, kỳ thi, soạn thảo hoàn chỉnh các tư liệu, sách giáo trình phục vụ cho việc thi cử, tuyển trạch, tiêu chuẩn tuyển chọn các anh tài võ lược, từ trong Cung Đình đến ngoài thần dân, để làm chuẩn mực và phân cấp ngạch trong thi cử.
Từ năm Bính Thìn (1076) nhà Lý cho lập Quốc Tử Giám (đây được coi là trường Đại học đầu tiên ở nước ta) và chọn người tài giỏi cả Văn lẫn Võ vào truyền dạy. Đến năm Kỷ Tỵ (1089), Triều đình thiết định lại quan chế, chia văn, võ ra thành 9 phẩm (cửu phẩm). Trong đó Võ Ban có Đô thống, Nguyên súy, Tổng Quản khu mật sứ, Khu mật tả hữu sứ, Kim Ngô Thượng tướng, Đại tướng, Đô tướng, Chư vệ Tướng quân… Riêng ở các Châu, Quận thì có Chư Lộ trấn trại quan (trông coi về Võ Ban).
Trên cơ sở xây dựng các thiết chế, đặt các chức phẩm, thứ bậc, nhiệm vụ, quyền hạn về Võ Ban, nhà Lý một mặt tuyển chọn những người giỏi võ, tinh thông kinh sử trong Hoàng tộc, mặt khác tổ chức các đợt thi võ hoặc trong các khoa thi văn có lồng ghép phần thi võ (cả lý thuyết và thực hành) để chọn ra những bậc kỳ tài về văn võ, bổ nhiệm vào các chức phẩm Võ Ban, từ Triều đình đến Châu, Quận và cấp chỉ huy Quân đội (Thời kỳ đầu, chỉ có con em trong Hoàng tộc mới được đảm nhiệm các chức phẩm cao và giữ các nhiệm vụ quan trọng).
Ngoài ra, nhà Lý còn chú tâm xây dựng các công trình đào luyện võ lược, bãi tập ngựa, voi, Giảng Võ Đường (nơi dạy về Võ lý và Binh pháp), Xạ đình (trường bắn Cung, Nỏ, tập phóng phi tiêu, phóng Lao trúng đích) và các công binh xưởng để chế tạo các loại khí giới đặc dụng, phục vụ chiến đấu, bảo vệ đất nước.
Đến thời nhà Trần (năm 1246) Vua Trần Thái Tông ban chiếu dụ qui định việc khảo xét các quan võ, tướng võ và những người giỏi võ thuộc hoàng tôn. Theo qui định này, cứ 10 năm gia tước một cấp, 15 năm gia chức một bậc. Việc tuyển chọn, thi cử võ trong giai đoạn này rất nghiêm ngặt, ngoài tài thao lược, thông thạo võ công, nhuần nhuyễn binh quyền, còn phải có tiêu chí bắt buộc, đó là “trung thần, nghĩa sĩ”, “dĩ thân tuẫn quốc” (quên mình vì nước).
Các vua thời Trần còn chú trọng việc đào tạo, huấn luyện tướng sĩ. Năm Quí Mùi (1253) thành lập Giảng Võ Đường ở Kinh thành, để cho nhà vua cùng các vương hầu, võ tướng, võ quan tu tập binh thư, rèn luyện võ nghệ, đấu luyện binh khí và học phương lược bài binh, phá trận, công thành, lập trận đồ. Nội dung thi cử, giảng dạy võ lược, binh quyền thường lấy kinh nghiệm trong các trận đồ đại thắng ngoại xâm của các danh tướng kỳ tài đời trước làm mực thước.
Trong đó lấy bộ “Binh thư yếu lược” của Trần Hưng Đạo làm “kim chỉ nam” về lý luận binh pháp, nội dung võ bị, hình thức tuyển chọn, cho đến thể chế thi cử, thiết đặt trường thi, qui định tiêu chuẩn, cấp độ các quan trông coi thi, ấn định các môn thi chính và thi phụ, đối tượng dự thi…
Bộ Binh pháp nói trên, tuy phần lớn đề cập các chiến lược, chiến thuật và nghệ thuật quân sự, nhưng vẫn nhấn mạnh đến nhiều yếu tố và tác động của võ thuật, lấy võ công để nâng cao sức lực, trui rèn lòng quả cảm, tính linh hoạt, khả năng biến hóa, sức chịu đựng và sức mạnh tiềm năng trong tác chiến, trong luyện binh, hành binh, nghi binh, phục binh và dụng binh…
Năm 1267, Vua Trần Thánh Tông xuống chiếu, chọn trong hàng tôn thất những người tinh tường võ nghiệp, uyên thâm binh pháp để chỉ huy Quân đội, nắm giữ binh quyền, trong đó nổi bật có các võ tướng lỗi lạc, như: Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Trần Nhật Hạo, Trần Khánh Dư, Trần Nhật Duật, Trần Bình Trọng, Trần Quốc Toản… Bên cạnh đó, nhà Trần còn áp dụng chế độ tiến cử (không qua thi cử) những người đặc biệt xuất chúng cả về văn lẫn về võ, cả về đức lẫn về tài không thuộc dòng dõi quí tộc, tôn thất, để nhà Vua bổ dụng, trong đó có các võ tướng lừng danh, như: Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu, Dã Tượng, Trần Khát Chân, Lê Tần, Nguyễn Khoái, Đỗ Khắc Chung, Nguyễn Chế Nghĩa…
Theo sách “Lược sử Việt Nam” và các thư tịch cổ: Các danh tướng, đại võ công, với tài năng xuất chúng, sức lực ít người sánh nổi, đã góp sức quan trọng, đánh tan nhiều cuộc tập kích cả trên bộ, lẫn dưới nước của quân giặc, giữ an xã tắc, trong đó nổi bật có Thượng tướng quân Phạm Ngũ Lão, là người văn võ tinh thông, dũng khí ngút trời, thần khí lẫm liệt, sức mạnh vô song, nhờ khổ luyện võ công, tu rèn khí lực đến thượng thừa, nên có nhiều phát kiến thần diệu về binh lược, võ bị, sáng chế nhiều loại binh khí hữu dụng, để chống lại chiến thuật “biển người”, ngăn cản các đội “Tượng binh”, “chiến Mã” ào ạt tấn công như thác đổ của kẻ thù, giúp nhà Trần đào luyện quân sĩ toàn năng, kỷ luật nghiêm minh, đánh đâu thắng đó. Ông từng hiến kế với Trần Hưng Đạo: “Dùng binh cốt chọn quân tinh nhuệ, thông giỏi binh cơ, võ lược, kỷ luật nghiêm lệnh, trên dưới đồng lòng, không cần số nhiều…”.
Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, “Lịch triều hiến chương loại chí” và “Võ Cử qui trình”: Đến thời nhà Lê, ngay sau khi lên ngôi, Vua Thái Tổ đã đặc biệt quan tâm, ban hành nhiều chính sách về phát triển giáo dục. Đặt trường Quốc Tử Giám ở đất Kinh Đô, mở nhà học, chế tác lễ nhạc, mở khoa thi, thu thập, biên soạn sách vở, xây dựng trường học và đặt thầy dạy nho học ở các Phủ, Lộ. Các quan văn, quan võ từ tứ phẩm trở xuống phải vào thi ở trường văn, trường võ, nếu đỗ mới được tiếp tục đào tạo theo một qui trình cao cấp, bắt buộc (quan văn thì thi Kinh sử, còn quan võ thì thi Võ kinh), bao gồm cả phần thuyết giảng về phương cách bài binh, lập trận đồ, điều quân, khiển tướng, dạy cách xem hướng, chọn ngày, coi thiên văn, xét địa lý, đoán tình địch và phương pháp giảng dạy về võ học, thực hành võ lược, bí kíp võ công… để sau này có thể trở thành một võ tướng tài giỏi toàn diện.
Ở các Lộ cũng định kỳ mở khoa thi võ, để cho những người ẩn dật (tinh thông võ nghệ) ra ứng thí mà chọn lấy nhân tài phụng sự đất nước, mở mang cơ nghiệp lâu bền.
Đến năm1429, sau nhiều năm nghiên cứu, tu chỉnh, đúc kết, nhà Lê mới bắt đầu đưa khoa thi “Minh Kinh” để làm chuẩn mực ban hành cụ thể các chế độ, qui trình, thể lệ, nội qui, tiêu chí thi cử võ chính thức của Triều đình. Đồng thời định kỳ kiểm tra, khảo hạch trình độ, xếp loại, thăng chức phẩm cho các võ tướng, võ quan, cấp chỉ huy quân sự, theo chu kỳ mỗi năm 1 lần, với các nội dung thi bắt buộc, gồm: Thi mang vác vật nặng, thi đấu quyền thuật, phi ngựa, múa Giáo, Thương, Kiếm hoặc bắn Cung, Nỏ. Sau đó tiếp tục học cách bài binh, bố trận, nghệ thuật giữ thành, công thành, phá thành và nghiên cứu Binh pháp.
Từ năm 1433 đến năm 1442, Vua Lê Thái Tông tiếp tục cách tân, tu chỉnh một số thể chế, qui trình, tiêu chuẩn mang tính chất phổ quát, để chuẩn bị phục hồi các khoa thi Hương, thi Hội mà trước đó các vương triều nhà Trần đã tổ chức. Trong đó, năm 1437, nhà vua truyền chỉ dụ cho các võ quan, võ tướng và các cấp chỉ huy Quân Đội, phải thường xuyên luyện tập, nâng cao trình độ võ lược, sử dụng thành thạo các loại binh khí chiến đấu và tham dự các đợt huấn luyện binh pháp, võ thuật cao cấp, đồng thời phải thi khảo hạch, theo qui định của Bộ Binh, để đánh giá tài năng, thăng cấp chức và xếp hạng lương bổng. Trong đó, năm 1438 chính thức mở hội thi Hương, năm sau (1439) mở khoa thi Hội và từ đó cứ 3 năm mở một khoa thi. Riêng năm Nhâm Tuất (1442), lại mở thêm khoa thi Đình cho những người thi Hội đã trúng cả 4 trường. Ở khoa thi này nhà vua đích thân ra đề thi và ngự duyệt. Người nào đỗ sẽ được phong học vị Tiến sĩ, được chia thành 3 bậc khác nhau, cụ thể:
Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ (3 người đỗ đầu bảng: Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa), gọi là Tam khôi.
Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, gọi là Hoàng Giáp.
Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, gọi là Tiến sĩ.
Năm 1465, đích thân Vua Lê Thánh Tông ban chiếu dụ “khảo hạch binh thư, đồ trận”, chia các đơn vị Quân Đội ra thành từng Đội, từng Ngũ, để truyền dạy các nghi thức: đứng, ngồi, tiến, lui, bò, lăn, phóng cao, nhảy xa, các hiệu lệnh cờ, chiêng, trống và thuần thục trong các tư thế bắn Cung, Nỏ, phóng Lao, phóng Dao găm, phi tiêu trúng đích. Về trận đồ thủy quân, tập trung học các thuật: “Tam tài”, “Trung hư”, “Liên châu”, “Thất môn”. Riêng phép đánh trên bộ, gồm có Kỳ binh, Trương kích, Trương cơ…
Hai năm sau (1467) nhà vua từ Nam Kinh về lại Đông Kinh, khi đến Thiên Trường (Nam Định bây giờ) đã ban lệnh tập thủy binh, trong đó ngày 20 tháng 2, tổng diễn tập “Trung hư” ở Lỗ Giang và ngày 25 tháng 2, tổng duyệt binh ở sông Vị.
Năm 1478, nhà Lê còn tổ chức khoa thi “Đô thí”, để khảo sát trình độ võ bị (vừa phi ngựa lao nhanh, vừa bắn Cung hoặc phóng Lao trúng đích, đánh thảo quyền, múa Kiếm, sử dụng Lăn khiên, lý giải về Võ bị), xử lý tình huống và khả năng ứng phó trong những tình huống nguy cấp, kiểm tra lý thuyết về binh pháp, binh bị, để điều động, bổ nhiệm quan trường và xếp hạng ngạch, để thụ hưởng các chế độ lương bổng.
Năm 1479, triều đình nhà Lê mở thêm kỳ thi khảo hạch toàn diện các nội dung về kỹ - chiến thuật, kỹ năng võ lược, về binh cơ, đồ trận và sau cùng là thi bắn Cung, bắn Nỏ, phóng Lao, ném chùy, phô trương sức mạnh, sức chịu đựng, lòng dũng cảm, can trường. Lúc đầu chỉ có con cháu trong hoàng thân, quốc thích và các quan đại thần, sau mở rộng đến con em các quan lại có chức phẩm (nhị phẩm, tam phẩm), ai trúng tuyển sẽ được đưa vào học tại trường Giảng Võ (nằm ở phía Tây Kinh thành Thăng Long). Thường niên, cứ vào tháng chạp tổ chức thi “khảo thí”, sau 3 năm học, nếu đạt các tiêu chuẩn qui định, sẽ được tham dự khóa thi tốt nghiệp do Bộ Binh tổ chức, người thi đỗ sẽ bổ vào các chức Vũ Uy hoặc cấp chỉ huy quân sự.
Trải qua 10 đời vua, trị vì 100 năm (1428 – 1527), nhà Lê, trong đó nổi bật nhất là Vua Lê Thái Tổ, Vua Lê Thánh Tông đã có nhiều công lao to lớn, đánh đuổi ngoại xâm, dựng xây đất nước phồn thịnh, mở mang bờ cõi vững bền, phát triển văn hóa, giáo dục, tổ chức thi cử, đào luyện nhân tài, chiêu hiền, đãi sĩ, coi trọng cả Văn học lẫn Võ học, trong đó góp phần quan trọng nâng cao bề thế và tầm vóc của võ cổ truyền dân tộc (VCTDT) lên tầm cao mới.
Trước đó, dưới thời Lý – Trần, VCTDT cũng được đặc biệt chú trọng, mở mang, không chỉ trong hoàng tộc, quan quyền, Quân đội, mà còn phát triển sâu rộng đến tận các phủ, huyện, đến các chùa chiền, sư sãi. Trong đó, nhà vua ban chiếu chỉ bắt buộc các Vương hầu và cả Hoàng tộc, đều phải vào trường học Binh pháp, võ lược, luyện tập các loại binh khí đặc dụng, để trực tiếp chỉ huy Quân đội hoặc nắm giữ các trọng trách về binh quyền, Võ Ban.
Theo qui chế, định kỳ hàng năm các quan lại, tướng lĩnh, các cấp chỉ huy quân sự, từ hoàng cung đến các địa phương, phải kinh qua những khóa thi võ bị, sát hạch trình độ chỉ huy, khả năng bài binh, lập trận, để xếp loại phẩm bậc, thăng cấp chức, đồng thời lập ra những đội võ binh chuyên phi ngựa, đấu võ, biểu diễn Lăn khiên, đại Đao, bắn Cung, đánh Kiếm, đấu Vật, đánh Phết… để vừa nâng cao võ lực, tinh thần chiến đấu, vừa giải trí cho giới quí tộc và vua quan Triều đình.
Điều đáng lưu tâm, trong giai đoạn này Phật Giáo đã trở thành “Quốc Đạo”, ngoài việc truyền bá, phụng sự đạo pháp, xây dựng, trùng tu chùa chiền khắp nơi, các chư tăng còn khổ luyện võ công và các bí quyết về Thiền học, nhu thuật, nội công, khinh công, khí công, kết hợp với ấn huyệt, châm cứu, bốc thuốc chữa bệnh bằng phương pháp Y - V cổ truyền, nên phần lớn thường đạt đến trình độ thượng thừa, có thể điều vận được Tâm - Thần - Ý - Trí - Khí - Lực, để vừa nâng cao sức khỏe, cân bằng nội lực, vừa giữ chùa, cứu người, giúp đời và truyền dạy võ công cho bá tánh, thanh trừ trộm cướp, thú dữ, cùng nhau tham gia bảo vệ đất nước.
Nhờ vậy, nên trong giai đoạn này, võ nghệ được các Vương triều quan tâm chú trọng, xem như những công cụ thiết yếu trong đời sống xã hội và trở thành một nghề thực thụ (nghề võ), cho những ai muốn tiến thân vào con đường binh quyền, võ nghiệp, chức sắc, Võ Ban của Triều đình để được mọi người đề cao, trọng vọng.
Đặc biệt đến thời Hậu Lê (Lê Trung Hưng, 1533 - 1788) và thời Tây Sơn (1778 - 1802), VCTDT đã cơ bản đạt đến trình độ siêu việt và bắt đầu bước vào giai đoạn nâng cao về mọi mặt, để tạo tiền đề vững chắc và hội đủ các điều kiện cơ yếu chuyển tiếp sang thời kỳ phát triển đỉnh điểm của nền Võ học oai hùng, với một hệ thống cao diệu, uyên bác, liên hoàn, khép kín từ Võ Lý, Võ Lễ, Võ Đạo, Võ Kinh, Võ Trận, Võ Cử đến Võ Thuật, Võ – Y (Y – Võ), Võ Nhạc, Võ Miếu, Võ Phục… (CÒN TIẾP).
PHẠM PHONG
TRÍCH DẪN TRONG CÔNG TRÌNH SÁCH “LỊCH SỬ VÕ HỌC VIỆT NAM”
(XUẤT BẢN NĂM 2012)
Tiến sĩ Võ học
Phạm Đình Phong
Viện trưởng kiêm Trưởng Ban Quản Trị