pic_top pic_top1 pic_top3 pic_top4

"Người Việt Nam hãy tự hào, tôn vinh, ưu tiên học võ Việt Nam ***** Vì nền Võ học Dân tộc hùng mạnh, xứng tầm Lịch sử, vươn xa Thế giới ***** Người Việt Nam hãy tự hào, tôn vinh, ưu tiên học võ Việt Nam ***** Vì nền Võ học Dân tộc hùng mạnh, xứng tầm Lịch sử, vươn xa Thế giới *****Người Việt Nam hãy tự hào, tôn vinh, ưu tiên học võ Việt Nam ***** Vì nền Võ học Dân tộc hùng mạnh, xứng tầm Lịch sử, vươn xa Thế giới *****Người Việt Nam hãy tự hào, tôn vinh, ưu tiên học võ Việt Nam ***** Vì nền Võ học Dân tộc hùng mạnh, xứng tầm Lịch sử, vươn xa Thế giới *****Người Việt Nam hãy tự hào, tôn vinh, ưu tiên học võ Việt Nam ***** Vì nền Võ học Dân tộc hùng mạnh, xứng tầm Lịch sử, vươn xa Thế giới *****"

NGUỒN GỐC RA ĐỜI VÕ CỔ TRUYỀN DÂN TỘC

14:42:4415/02/2019

 

    NGUỒN GỐC RA ĐỜI VÕ CỔ TRUYỀN DÂN TỘC

(Trích dẫn trong Công trình nghiên cứu Lịch sử Võ học Việt Nam)

 ************************************************************

 

NHỮNG TIỀN ĐỀ VỀ LỊCH SỬ - VĂN HÓA - XÃ HỘI

LIÊN QUAN TRỰC TIẾP ĐẾN NGUỒN GỐC RA ĐỜI CỦA

VÕ CỔ TRUYỀN DÂN TỘC VIỆT NAM

 

* NHỮNG TIỀN ĐỀ VỀ LỊCH SỬ

Theo điển tích cổ và sách “Việt sử Thông giám Cương mục”: Trong tiến trình phát triển xã hội ở nước ta, mãi đến thời kỳ phát triển kim khí thì Nhà nước mới bắt đầu xuất hiện. Đầu tiên là Nhà nước Văn Lang, gắn liền với 18 đời Vua Hùng, đóng Đô ở Phong Châu (Việt Trì, Phú Thọ). Ngay sau khi ra đời, Nhà nước Văn Lang đã định ra các thể chế: Quan Văn gọi là Lạc Hầu, Tướng Võ gọi là Lạc Tướng, con trai của Vua gọi là Quan Lang, con gái của Vua gọi là Mỵ Nương, quan cai quản gọi là Bồ Chính và chia nước ra thành 15 Bộ. Mỗi Bộ đều đặc trách các Quan Văn coi sóc việc chính sự và các Quan Võ trông coi việc quân sự, trị an.

Để áp chế các bộ lạc bị thua trận, đang tìm cách liên kết lại với nhau để trả thù và bảo vệ chính thể non trẻ của mình, trước sức tấn công của các thế lực thù địch, cũng như giặc ngoại xâm đang rình rập ngoài biên ải, Nhà nước Văn Lang không có con đường nào khác, là phải nhanh chóng kiện toàn bộ máy nội trị, tăng cường võ lực và hình thành Quân đội thường trực thiện chiến, để làm công cụ sắc bén, sẵn sàng chiến đấu tiêu diệt mọi kháng cự từ bên trong lẫn bên ngoài, giữ vững cơ đồ, đất nước.

Muốn có đội quân hùng mạnh, thiện chiến, chắc chắn Nhà nước Văn Lang phải tuyển mộ những trai tráng có sức lực cường mãnh, dũng khí kiên trung, cự kỳ giỏi võ và thành thạo việc sử dụng binh khí, đồng thời phải ra sức rèn, đúc, chế tác các loại binh khí tác chiến hữu hiệu, các phương tiện, dụng cụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu thích hợp.

Những bằng chứng sau khi khai quật các loại binh khí, vật dụng chiến đấu, đã cho thấy sự gia tăng đột biến lên gấp nhiều lần, với nhiều chủng loại binh khí, khí cụ khác nhau, không chỉ về số lượng mà còn cả về độ tinh xảo, sắc bén và tính đa dạng của nó, nhất là những giai đoạn cuối thời Hùng Vương.

Còn ở giai đoạn đầu, việc phát hiện không nhiều, chỉ rải rác ở một số vùng thuộc lưu vực sông Hồng, sông Mã, thành Phong Châu (Đại bản doanh của Nhà nước Văn Lang), nhưng chủ yếu cũng chỉ là những vật dụng, binh khí bằng đá hoặc bằng xương, sừng thú vật, còn các nơi khác gần như không tìm thấy. Điều này cho thấy binh lực và binh khí, vật dụng, phương tiện chiến đấu của thời kỳ đầu lập quốc còn ở dạng phôi thai, non yếu.

Theo các di chỉ và sách “Việt sử Thông giám Cương mục”, sách “Lịch sử Việt Nam”: mãi đến khi xã hội bước sang giai đoạn phát triển của nền văn hóa Đông Sơn, thì Quân đội của Nhà nước Văn Lang mới thật sự đủ mạnh. Bởi theo dòng lịch sử, thời đại các Vua Hùng dựng nước ứng với nền văn hóa sơ kỳ đồng thau Phùng Nguyên, kéo dài trong khoảng 1 Thiên niên kỷ (từ cuối Thiên niên kỷ thứ III đến gần cuối Thiên niên kỷ thứ II trước Công Nguyên), nhưng mãi về sau này, khi nền văn hóa Đông Sơn bước vào giai đoạn phát triển rực rỡ, thì Nhà nước Văn Lang và các thiết chế ban đầu của nó mới được khẳng định, phát triển tương đối rõ nét và còn lưu lại nhiều dấu vết, vật dụng, binh khí, phương tiện chiến đấu, sinh hoạt văn hóa dân gian, lễ hội… được các bàn tay tài hoa của người Việt cổ chạm khắc, chế đúc một cách công phu, tinh xảo, sinh động trên các trống, thạp, chum, bình, vại, đồ trang sức… bằng đồng và một số hiện vật tiêu biểu dưới thời văn hóa Đông Sơn, đã phát hiện nhiều nơi ở các tỉnh phía Bắc.

Nhìn chung, trong giai đoạn này, một số thay đổi bước đầu diễn ra ở một số lĩnh vực về đời sống Văn hóa – Xã hội, trong đó lĩnh vực quân sự, võ lực, binh bị chiếm một vị trí đặc biệt thiết yếu, mang tính sống còn của Nhà nước Văn Lang. Vì lẽ đó, mà các Vua Hùng đã dốc sức xây dựng Quân đội ngày càng thiện chiến, tăng cường tiềm lực quân sự, tổ chức đào luyện võ nghệ cho các chiến binh, rèn, đúc nhiều loại binh khí mới lạ, mang tính sát thương cao.

Tuy nhiên, để có thể nhận biết được điều mà cách đây hàng mấy ngàn năm, khi chưa có văn tự, hoặc có nhưng không còn nữa, như ở vào thời kỳ Nhà nước Văn Lang, thì chỉ có thể căn cứ vào các niên đại, phương diện, chủng loại binh khí, trang thiết bị quân sự, hoa văn, hình tượng, biểu trưng chạm khắc trên trống, chum, bình, thạp bằng đồng và dựa theo các cứ liệu về khảo cổ học.

Trong kho tàng các tư liệu khảo cổ học, qua các giai đoạn lịch sử, đã cho thấy khá rõ nét bước phát triển nhảy vọt trong việc rèn, đúc, chế tác các loại binh khí, trang thiết bị, dụng cụ chiến đấu của người Lạc Việt, thông qua bộ binh khí đồng thau Đông Sơn và những hình tượng được khắc họa trên trống, chum, thạp, bình Đông Sơn. Binh khí trong giai đoạn này không chỉ tăng tiến đến mức ngạc nhiên về số lượng (tìm thấy khoảng 1.200 binh khí các loại), mà còn phong phú, đa dạng về loại hình (trên 10 chủng loại khác nhau), gồm cả binh khí tấn công lẫn binh khí phòng thủ, binh khí ngắn lẫn binh khí dài.

Theo thống kê trong sách “Binh chế chí”, bộ binh khí này phổ biến nhiều hơn cả là Cung, Nỏ, Giáo, Mác, Lao, Dao găm, Dao chiến, Rìu chiến, mũi Qua, mũi tên đồng…

Sự phổ biến này được thể hiện khá sinh động, bằng những hình khắc trên thạp, chum, trống đồng Đông Sơn, trong đó binh sĩ cầm Giáo (hình khắc một nhóm bốn người cầm Giáo đứng trên mặt trống Hoàng Hạ, nhóm ba người cầm Giáo đứng trên thuyền chiến ở mặt trống Cổ Loa I), hình người chiến binh đeo Dao găm (hình bốn chiến binh đeo Dao găm bên hông trong 4 cặp tượng trên nắp thạp Đào Thịnh), các chiến binh cầm Rìu chiến, Mác, Cung, tên là thường thấy nhất. Những loại binh khí còn lại, như: Kiếm ngắn, Dao chiến, Rìu chiến, Hộ tâm phiến (tấm che ngực)… được chế tác tinh xảo, cầu kỳ hơn, nhưng phát hiện ít hơn. Có lẽ những loại này, chủ yếu dành riêng cho các thủ lĩnh hay cấp chỉ huy (hình một vị chỉ huy đeo Kiếm ngắn, ngồi tách riêng trong tư thế cầm dùi đánh trống chỉ huy trận đánh, được khắc họa trên chiếc thạp Đông Sơn, tìm thấy trong mộ Nam Việt Vương là một minh chứng).

Khi xem xét bộ binh khí Đông Sơn, các nhà khảo cổ học đã nhận ra sự giống nhau gần như hoàn toàn của nhiều loại binh khí cùng chủng loại, được tìm thấy ở nhiều địa điểm khác nhau, chứng tỏ chúng đã được sản xuất trong cùng một lò đúc hoặc cùng một mẫu khuôn. Cụ thể, như: loại Giáo có họng, mặt cắt lưỡi hình thoi biến dạng mang đặc trưng của khu vực sông Hồng, loại Giáo có chui tra cán dài, sử dụng cả hai đầu, mang đặc trưng của vùng sông Mã, các loại Dao găm, lưỡi Mác có tra cán, Rìu chiến có tra cán được sản xuất rất nhiều ở vùng Làng Vạc (sông Cả). Chắc chắn những loại binh khí được sản xuất ra hàng loạt này, phải được đem trang bị cho các chiến binh giỏi võ công, sử dụng thành thạo binh khí và cho cả lực lượng dân quân, phòng vệ, có biết ít nhiều về võ nghệ hoặc chí ít cũng phải biết một số tính năng thường thức, như: đánh, đâm, đỡ, né tránh, di chuyển… khi hữu dụng.

Một khía cạnh khác, được rút ra từ những hoa văn trang trí trên trống, thạp đồng Đông Sơn cũng đủ nói lên tính chất quan trọng, cấp thiết của việc biên chế, tổ chức đội ngũ chiến binh, vai mang hoặc tay cầm các loại binh khí, đứng theo tư thế võ chiến đấu trên các chiến thuyền. Trong đó, mỗi thuyền thường có bộ phận chiến binh đánh tầm xa (sử dụng Cung, Nỏ), tầm trung (Lao, Giáo, Mác cán dài), tầm gần (Rìu chiến, Kiếm, Dao chiến, Dao găm). Các chiến binh sử dụng Cung, Nỏ bao giờ cũng đứng trên đài cao, để dễ quan sát, điều chỉnh tầm bắn khi thuyền địch lọt vào mục tiêu, số đứng trước mũi thuyền là các chiến binh cầm Rìu chiến, Dao chiến hoặc Kiếm ở tay phải, cầm Mộc (tấm chắn, đỡ) ở tay trái, để chuẩn bị lao nhanh sang thuyền giặc, riêng người chèo thuyền thì mang Kiếm ngắn hoặc Dao găm gọn nhẹ.

Các hình ảnh chạm khắc về các trận thủy chiến, những chiến binh trên thuyền có trang bị binh khí sẵn sàng chiến đấu, được xuất hiện khá nhiều trên các mặt trống, nắp thạp, đã chứng tỏ Nhà nước Văn Lang rất chú trọng lực lượng thủy quân. Bởi trong giai đoạn này, mạch máu giao thông chủ yếu là sông nước, kênh rạch, biển cả, còn thuyền bè là phương tiện gần như duy nhất, để đi lại, vận chuyển và phục vụ chiến đấu. Vì vậy, nên hầu hết các họa tiết đều thể hiện các chiến binh trên thuyền giương cao thân Cung lên để bắn, có người đang thao tác chiếc Nỏ được đặt trên bệ đỡ, một mũi tên khá lớn được cài sẵn, để chuẩn bị bắn đi (trống Ngọc Lũ, Hoàng Hạ), những chiến binh khác thì người cầm Giáo, Lao, Qua, Rìu chiến, người mang Dao găm, Kiếm ngắn, có người tay phải cầm Lao (có lẽ đang tìm mục tiêu để phóng đi), tay trái cầm Giáo, có người tay phải cầm Rìu chiến cán dài, tay trái cầm Mộc, có người cầm Rìu chiến hoặc cầm Kiếm dài ngồi sát mũi chiến thuyền (đang trong tư thế chuẩn bị đánh giáp lá cà).

Nhìn kỹ từng chi tiết, dường như mọi người đều ở tư thế sẵn sàng sống mái với kẻ thù, tay phải lăm lăm khí giới chuẩn bị đâm, chém, chặt, bổ, tay trái chuẩn bị chống đỡ, thủ thân, theo các thế võ chiến đấu. Các hình tượng này biểu hiện khá sinh động về kỹ thuật sử dụng binh khí, võ lực, khả năng bài binh, bố trận và tư thế sẵn sàng tác chiến của từng chiến binh một cách nghiêm lệnh, cẩn trọng, hợp lý.    

Còn ở mặt trống, thạp đồng Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Cổ Loa… lại khắc họa cả cảnh sinh hoạt đời thường (trai, gái giã gạo, chơi đùa...), cảnh lễ hội (đánh trống, thổi khèn, múa...) và cảnh những chiến binh tay cầm vũ khí đi hòa vào dòng người. Tất cả họ, không phân biệt người nhảy múa, cầm nhạc cụ hay cầm binh khí đều phục trang như nhau. Một chi tiết đáng chú ý, trong hàng người vừa quân vừa dân này, bao giờ người chiến binh cầm binh khí cũng được xếp sắp đi đầu, trong tư thế oai vệ của con nhà võ.

Trên trống đồng Ngọc Lũ, đi đầu đoàn sáu người là người cầm Giáo, ngọn giáo chúc xuống, cán giáo có trang trí lông chim. Trên trống Cổ Loa I, đi đầu đoàn sáu người là hai chiến binh cầm Giáo, còn trên trống Hoàng Hạ, trong nhóm sáu người có tới năm người cầm vũ khí…

Chỉ tính riêng trong các mộ táng Đông Sơn, đã phát hiện khá nhiều loại binh khí khác nhau được chôn theo các chiến binh, như ở vùng Vinh Quang có 74,4%, Phú Lương có 19,5%, Làng Cả có 62,1% (khu vực sông Hồng), Núi Nấp có 48,1%, Đông Sơn có 44,1%, Thiệu Dương có 51,1% (khu vực sông Mã), Làng Vạc có 27,1% (khu vực sông Cả). Tỷ lệ % này tính trên tổng số mộ tìm được.

Có nhiều khả năng, đây là mộ của các bậc chỉ huy hoặc chiến binh thiện chiến, thường xuyên phải chiến đấu với kẻ thù và thường trực chống chọi những cuộc xâm lăng từ phương Bắc. Không phải ngẫu nhiên một khi nguyên liệu kim khí trong thời kỳ này còn rất khan hiếm, mà Nhà nước Văn Lang đã huy động tối đa, để chế tạo lượng binh khí, vật dụng, phương tiện chiến đấu lớn như vậy. Chắc hẳn phải có nguyên nhân bức thiết của nó và có lẽ một trong những nguyên nhân bức bách là chiến tranh nổ ra triền miên, dữ dội, ngày càng quyết liệt trên diện rộng, đe dọa trực tiếp đến sự sống còn của đất nước.

Rõ ràng vai trò, vị thế của người chiến binh không chỉ được xã hội đề cao, mà còn biểu hiện tình trạng đất nước luôn phải đối mặt với chiến tranh, nhiệm vụ của người lính phải xông lên phía trước, để bảo vệ nhân dân, đất nước. Ở những vị trí tương tự trên bề mặt nhiều trống đồng Đông Sơn khác, cũng đã khắc họa hình tượng chiến binh tay phải cầm Rìu chiến gót vuông (một số người khác cầm Rìu chiến gót tròn), tay trái cầm Hộ tâm phiến hình vuông hoặc hình chữ nhật, với nhiều họa tiết sắc sảo, cầu kỳ trông khá đẹp, giống như những “Phương trượng”. Có lẽ đây là những thủ lĩnh cấp cao hoặc đội quân cấm vệ bảo vệ nhà Vua (CÒN NỮA).

Tác giả :PHẠM PHONG

KỶ LỤC GIA THẾ GIỚI CÔNG TRÌNH SÁCH LỊCH SỬ VÕ HỌC VIỆT NAM.

 

picture

Tiến sĩ Võ học

Phạm Đình Phong

Viện trưởng kiêm Trưởng Ban Quản Trị

picture
picture
picture
picture
picture
picture
picture
picture