pic_top pic_top1 pic_top3 pic_top4

"Người Việt Nam hãy tự hào, tôn vinh, ưu tiên học võ Việt Nam ***** Vì nền Võ học Dân tộc hùng mạnh, xứng tầm Lịch sử, vươn xa Thế giới ***** Người Việt Nam hãy tự hào, tôn vinh, ưu tiên học võ Việt Nam ***** Vì nền Võ học Dân tộc hùng mạnh, xứng tầm Lịch sử, vươn xa Thế giới *****Người Việt Nam hãy tự hào, tôn vinh, ưu tiên học võ Việt Nam ***** Vì nền Võ học Dân tộc hùng mạnh, xứng tầm Lịch sử, vươn xa Thế giới *****Người Việt Nam hãy tự hào, tôn vinh, ưu tiên học võ Việt Nam ***** Vì nền Võ học Dân tộc hùng mạnh, xứng tầm Lịch sử, vươn xa Thế giới *****Người Việt Nam hãy tự hào, tôn vinh, ưu tiên học võ Việt Nam ***** Vì nền Võ học Dân tộc hùng mạnh, xứng tầm Lịch sử, vươn xa Thế giới *****"

VÕ SƯ BIẾN NHỮNG ĐỨA TRẺ BẤT HẢO THÀNH TÀI

10:45:5917/12/2020

Văn Thắng xuống tấn, cơ bắp cuồn cuộn nổi lên, dùng thân mình quấn cây sắt dài cong lại thành 7 vòng, ôm sát như chiếc lò xo siết chặt. 

Ngồi nhâm nhi cốc nước ấm trong tiết trời tháng 10 se lạnh tại đền Bách Linh (Ứng Hòa, Hà Nội), ông Nguyễn Khắc Phấn - trưởng môn Thiên Môn Đạo, một môn phái võ thuật cổ truyền Việt Nam - vuốt chòm râu đen nhánh, giọng sang sảng: "Đó là Luyện thiết công. Với những môn đệ ruột của Thiên Môn Đạo thì đó chỉ là món khai vị". 

Nói rồi ông dựa lưng vào tường, mắt lim dim, khóe miệng cong lên. Bên cạnh, hai sư trưởng Nguyễn Nam Thắng và Lê Văn Thắng tất bật hướng dẫn hơn 50 môn sinh chuẩn bị bài thi lên đai. Cứ vài tháng một lần, hai chàng trai trẻ này lại có cơ hội biểu diễn công lực trước môn sinh.

"Trước khi vào thi, nhớ kiểm tra kỹ bài thi về đạo học. Cũng nhắc nhở môn sinh, học võ đánh nhau là hạ đẳng. Học võ là để làm người", ông Phấn nhắc nhở 2 sư trưởng.

 Ông Nguyễn Khắc Phấn, trưởng môn võ Thiên Môn Đạo. Ảnh: Mạnh Hùng.

"Vâng, thưa sư phụ", hai sư trưởng chắp tay. Bên cạnh, các môn sinh răm rắp thực hiện theo sự sắp xếp hàng lối của sư trưởng. Không tiếng nói chuyện, tất cả đều hướng mắt tập trung vào sư phụ Nguyễn Khắc Phấn. Ở môn phái này, để lên được một bậc đai mới, các môn sinh đều phải trải qua phần thi "Đạo học", hướng dẫn về cách đối nhân xử thế, làm người trước khi bước vào phần thực hành. 

"Sư phụ là người chúng tôi kính trọng và nể phục nhất. Sư phụ đã dùng tâm của mình để cảm hóa được nhiều học sinh phá phách, cá biệt, trong đó có tôi", sư trưởng Lê Văn Thắng (sinh năm 1991, quê Mỹ Đức) nói. 

Thời phổ thông, cậu bé Thắng nhỏ bé gây gổ khắp làng trên xóm dưới, bạn bè sợ hơn gặp cọp. Năm lớp 8, một lần quyết chiến với các tay anh chị, cậu bị đâm thủng ruột, suýt chết. Năm lớp 9, Văn Thắng đi ăn trộm hoa quả trong làng bị chủ nhà bắt được. Bị bố mắng "Thằng nghịch tử", cậu bỏ nhà đi. Giữa đường thấy người lớn chơi xóc đĩa, cậu cắm ngay chiếc xe đạp rồi sà vào chiếu bạc, bị tạm giam 24 tiếng.

Lê Văn Thắng đã tốt nghiệp đại học và mở các lớp võ của riêng mình. Ảnh: Hải Hiền.

Nghe người mách, bố Thắng xin cho cậu theo học Thiên Môn Đạo nhưng được vài tháng cậu bỏ. Năm lớp 12, Thắng trượt tốt nghiệp, ở nhà lông bông thì được ông Phấn gọi lên bảo sẽ nuôi ăn học và tập luyện ở đội võ cổ truyền Hà Nội. Những ngày đầu, Thắng chuyên gây sự với các môn sinh, đi không chào, về không hỏi, ăn uống nhồm nhoàm khiến ai cũng khó chịu. Cậu toàn trốn đi chơi, tối mịt mới về.

Một ngày, cậu được ông Phấn gọi vào. 

"Sư phụ đá bay tôi vào tường rồi hỏi: Đau không? Khi tôi còn nhăn nhó, sư phụ ra dựng người tôi lên, nhìn vào mắt nói: 'Đau thể xác làm sao đau bằng tinh thần được. Bố mẹ anh đang phải chịu nỗi đau vì có thằng con bất trị thế đấy", Thắng kể lại. 

"Sống là một nam nhi thì phải sống cho ra sống. Bố mẹ đã cho mình cơ thể lành lặn, một cái đầu nhanh nhẹn thì đừng làm bố mẹ khổ. Cuộc đời anh giờ đây không phải như đứa trẻ, ngúng nguẩy quay mặt đi vẫn có người dỗ dành chăm lo. Quay đi nhiều khi không còn đường trở về nữa", ông Phấn nói. Nghe những lời từ tâm can sư phụ, nước mắt Thắng tự dưng ứa ra.

Từ hôm đó, ông Phấn đưa lịch sinh hoạt hàng ngày cho Văn Thắng ghi rõ giờ nào làm việc gì. Ông cũng chỉ dạy từ những việc đơn giản nhất như ăn uống, chào hỏi lễ phép.

"Thậm chí những việc tôi chưa từng làm như nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa sư phụ cũng chỉ dẫn. Những ngày đầu tôi làm đối phó, nhưng rồi nhận được lời khen của mọi người, tôi bỗng thấy vui vì chưa bao giờ được khen như vậy", Văn Thắng kể lại. 

Nhiều dân anh chị gặp cậu ngoài đường đòi tỷ thí nhưng cậu đều bị từ chối vì thấm lời sư phụ dặn "Làm gì cũng phải đúng pháp luật và truyền thống".

Văn Thắng thi lại cấp 3 và theo học Đại học Thể dục thể thao. Hơn 4 năm, năm nào cậu cũng giành được học bổng cho sinh viên xuất sắc. Tại các giải thi đấu võ cổ truyền toàn quốc và quốc tế, Thắng giành 2 huy chương vàng. Hiện cậu đã ra trường và mở các lớp võ của riêng mình.

Nguyễn Nam Thắng (sinh năm 1990), một sư trưởng khác của Thiên Môn Đạo cũng từng có quá khứ "lừng lẫy" không kém.

Những năm học tiểu học, cậu mang biệt danh "đầu gấu xóm" bởi quá nghịch,  đánh bạn như cơm bữa. Có lần cậu đốt đám rơm nhà hàng xóm vì "thích thì đốt", suýt gây cháy nhà. Chỉ đến khi Nam Thắng cầm dây điện quật bạn hàng xóm chảy máu khắp người vào năm 14 tuổi thì bố mẹ mới tá hỏa: "Thằng này không thể dạy nổi".

Nguyễn Nam Thắng thể hiện đại đao. Ảnh: N.T.

Biết lớp học Thiên Môn Đạo, bố Nam Thắng xin cho con theo, mong ông Phấn "trị" được con mình. Ngày đầu nhìn thấy sư phụ râu dài, tóc dài bước ra với bộ võ phục màu nâu, Nam Thắng nổi da gà: "Nghe sư phụ giảng đạo mà trông như pháp sư trong phim chưởng", cậu thích thú. 

Ttrước khi cậu vào học Thiên Môn Đạo, danh tiếng của sư phụ Phấn đã vang khắp vùng, chẳng hạn chuyện sư phụ bị nhiều anh hào trong làng võ chặn đường, thậm chí đến tận nhà thách đấu sau khi lên chức trụ trì môn phái, chỉ sau vài chiêu, đối thủ phải xin tạ lỗi. 

Bởi vậy, khi được đích thân ông Phấn dạy, Thắng vui như mở cờ, mơ tưởng đến ngày mặc võ phục nghênh ngang ngoài đường, thách đấu khắp chốn. Nhưng ngay buổi đầu, ông Phấn xoa đầu cậu nói rằng: "Học võ là để làm người, không phải là để đánh nhau", Thắng thất vọng. 

Được vài tháng, sau một buổi biểu diễn, Thắng rủ bạn đi uống rượu rồi đánh nhau với người lạ. Biết chuyện, ông Phấn bắt cậu quỳ gối dưới sàn nhà để suy nghĩ. Suốt 4 tiếng, với bản tính ngang tàng, Thắng chỉ quỳ mà không cất lời. Đến khi không chịu nổi nữa, cậu mới quỳ đến chỗ sư phụ xin tạ lỗi. Lúc này, ông Phấn mới đứng lên và nói: "Giải quyết mọi việc bằng nắm đấm thì chỉ là võ biền mà thôi". Nói xong ông quay đi, mắt đỏ hoe. 

"Bố mẹ đánh, tôi chưa bao giờ khóc. Nhưng không hiểu sao khi nhìn thấy một người danh tiếng như sư phụ phiền lòng về mình, nước mắt tôi cứ thế trào ra. Thời điểm đó tôi bỗng hiểu sư phụ đang làm hết sức để tôi thay đổi", Nam Thắng cho hay.

Từ hôm đó, cũng như Văn Thắng, Nam Thắng được ông hướng dẫn từ cách ăn uống, đi đứng và cư xử. Dần dà, cậu trở nên nền tính hơn, bớt ngông nghênh và chú tâm vào học tập ở đội võ cổ truyền.

"Với sự giúp đỡ của sư phụ, tôi đã tốt nghiệp Đại học thể dục thể thao và hiện làm giáo viên võ thuật và thể chất tại một trường cấp 3 ở Hà Nội", chàng trai trẻ cho biết.

Ông Nguyễn Khắc Phấn hướng dẫn các môn sinh tại đền Bách Linh, Ứng Hòa, Hà Nội. Hiện Thiên Môn Đạo có hơn 10.000 môn sinh trên khắp cả nước. Ảnh: Mạnh Hùng.

"Tuổi trẻ nhiều người sẽ mắc sai lầm. Nhưng biết quay đầu lại để thay đổi thì chẳng bao giờ muộn", ông Phấn nói. Ông cũng cho biết, ở hầu hết các võ đường, câu lạc bộ của Thiên Môn Đạo, những môn sinh như Văn Thắng và Nam Thắng khá nhiều.

"Hầu hết những môn sinh này đều được tôi hướng dẫn đạo học và võ thuật. Sau này họ đều có bước chuyển trong nhận thức và có thành tựu nhất định trong cuộc đời", ông Phấn chia sẻ. 

Bản thân ông cũng từng qua hành trình "cải tà" như thế. Là con trai út của sư tổ Thiên Môn Đạo Nguyễn Khắc Tri, ở làng Dư Xá, Ứng Hòa, Hà Nội, Phấn bỏ ngang đại học Kiến trúc, đi bụi để thỏa chí tang bồng. Thời điểm đó, tại các bến xe, bến tàu, người ta hay thấy một gã thanh niên quần sóc, áo may ô, nửa đầu trước húi cua, nửa sau để dài đi áp tải các xe hàng, toàn là bất hợp pháp.

Hai năm sau đó, ông được bạn rủ đi đào vàng, săn đá đỏ, buôn vảy tê tê khắp biên giới phía Bắc. "Những năm 90, nhiều lúc kiếm được, balo của tôi căng cứng tiền. Đổi lại tôi trải qua không ít cuộc chiến sinh tử với giới giang hồ, vài lần suýt bỏ mạng nơi rừng thiêng, nước độc", ông Phấn hồi tưởng.

Chục năm phiêu bạt, ông Phấn cũng thử tham gia vào các môn võ khác. "Có lần tôi bước vào một võ đường mà môn sinh khép nép, sợ thầy như đấng tối cao. Đến tập luyện mà môn sinh còn phải ăn bùa, khấn vái. Đấy đâu phải tinh thần của võ học".

Từ những lần va chạm, Phấn nhận ra môn phái võ dân tộc của mình chứa đựng những giá trị tốt đẹp, vì thế ông muốn được quay về. Đầu năm 1992, ông được truyền chức Chưởng môn phái Thiên Môn Đạo, là chưởng môn đời thứ năm. 

Trong lần cùng học trò tham gia Đại hội Võ thuật thế giới (năm 2004), môn phái của ông Phấn thi triển 25 tuyệt kỹ nội, khí công cùng với quyền cước. Diễn xong, ông thấy một vị rẽ đám đông bước tới, là ông Dư Huyền Đức, thời điểm đó là Chưởng môn phái Võ Đang đời thứ 6 của Trung Quốc. 

"Ông Dư đến giới thiệu rồi bắt tay tôi với câu nhận xét bằng tiếng Anh: ‘Viet Nam number one’ khiến tôi lặng người. Nhưng tôi nghĩ tinh thần của võ thuật không vì những lời khen như thế. Học võ là để làm người có ích cho gia đình và xã hội chứ không phải vì danh hiệu", ông Phấn nhấn mạnh. 

Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, các võ sư của Thiên môn đạo đã nhiều năm đại diện cho Võ học Việt Nam tham gia Đại hội võ thuật thế giới. Năm 2018, Thiên Môn Đạo được Hội kỷ lục Việt Nam tặng bằng tôn vinh và huy hiệu vinh danh "Môn võ Thiên môn đạo làm rạng danh nền võ học Việt Nam".

Báo Online vnexpress.net - Hải Hiền

 

picture

Tiến sĩ Võ học

Phạm Đình Phong

Viện trưởng kiêm Trưởng Ban Quản Trị

picture
picture
picture
picture
picture
picture
picture
picture