pic_top pic_top1 pic_top3 pic_top4

"Người Việt Nam hãy tự hào, tôn vinh, ưu tiên học võ Việt Nam ***** Vì nền Võ học Dân tộc hùng mạnh, xứng tầm Lịch sử, vươn xa Thế giới ***** Người Việt Nam hãy tự hào, tôn vinh, ưu tiên học võ Việt Nam ***** Vì nền Võ học Dân tộc hùng mạnh, xứng tầm Lịch sử, vươn xa Thế giới *****Người Việt Nam hãy tự hào, tôn vinh, ưu tiên học võ Việt Nam ***** Vì nền Võ học Dân tộc hùng mạnh, xứng tầm Lịch sử, vươn xa Thế giới *****Người Việt Nam hãy tự hào, tôn vinh, ưu tiên học võ Việt Nam ***** Vì nền Võ học Dân tộc hùng mạnh, xứng tầm Lịch sử, vươn xa Thế giới *****Người Việt Nam hãy tự hào, tôn vinh, ưu tiên học võ Việt Nam ***** Vì nền Võ học Dân tộc hùng mạnh, xứng tầm Lịch sử, vươn xa Thế giới *****"

NGƯỜI DUY NHẤT TRÊN THẾ GIỚI VIẾT SÁCH LỊCH SỬ VÕ HỌC

23:12:2415/09/2020

Là người tiên phong và duy nhất trên thế giới viết sách lịch sử võ học của một quốc gia, bộ sách Lịch sử Võ học Việt Nam của tác giả Phạm Đình Phong đã vinh dự được Trường Đại học Kỷ Lục Thế giới vinh danh và ghi nhận “Công trình có giá trị về văn hóa, võ học, không chỉ của Việt Nam mà còn đóng góp vào kho tàng văn hóa, võ học của thế giới” và quyết định chọn tác giả của công trình này làm Luận án để trao Bằng Tiến sĩ danh dự quốc tế đầu tiên về lĩnh vực võ học, cùng với 5 kỷ lục gia tiêu biểu của các lĩnh vực khác của Việt Nam.

Kỷ lục gia, Tiến sĩ, Võ sư Phạm Đình Phong tự hào sinh ra và lớn tại quê hương đất võ An Nhơn, Bình Định, có niềm đam mê võ thuật từ thời niên thiếu, là môn sinh ưu tú của Nghĩa Hiệp phái vùng An Nhơn. Sau ngày giải phóng, ông làm việc trong ngành Thể thao nên có nhiều cơ hội gắn bó với võ thuật. Là người đầy nhiệt huyết, đi đầu trong công tác duy trì và bảo tồn võ thuật tỉnh nhà, ông luôn vận động, xây dựng, phát triển phong trào võ thuật tại cơ sở. Nhưng có lẽ giới luyện võ yêu quý và biết đến ông nhiều nhất là trong vai “ông bầu” chuyên đi tổ chức thi đấu và giao lưu võ đài từ làng này đến xã khác. Toàn bộ tiền bán vé sau khi chi phí tổ chức, ông đều bồi dưỡng hết cho võ sĩ.

Trước khi xuất bản hai ấn phẩm võ học “Nguồn gốc - Đặc trưng Võ cổ truyền Bình Định” và “Lịch sử Võ học Việt Nam”, tác giả là người hoạt động không biết mệt mỏi vì di sản võ học nước nhà, Võ sư Phạm Đình Phong luôn là người đi đầu trong công tác ươm mầm tài năng trẻ, khởi xướng các Liên hoan Võ cổ truyền. Đặc biệt, năm 2006, Võ sư Phạm Đình Phong đã cùng Võ sư Hồ Hoa Huệ tham gia vận động, khởi xướng việc đưa Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam về tổ chức tại quê hương Bình Định. Qua 4 lần tổ chức, Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam đã gây tiếng vang lớn với cộng đồng quốc tế, góp phần quan trọng nâng cao tầm vóc, vị thế của võ dân tộc nói chung và võ Bình Định nói riêng sớm hội nhập và ngày càng phát triển trên thế giới. 

Sau nhiều năm nghiên cứu tích lũy về võ thuật, năm 1997, Võ sư Phạm Đình Phong bắt đầu khởi nghiệp viết sách về lịch sử võ học. Lúc đó, trong cương vị Phó Giám đốc Sở Thể dục - Thể thao Bình Định được UBND tỉnh Bình Định và Ủy ban Thể dục - Thể thao Việt Nam giao nhiệm vụ Chủ nhiệm kiêm Chủ biên nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn cuốn sách “Nguồn gốc - Đặc trưng võ Bình Định” và đến năm 2000 được hoàn thành, công trình này mở đầu cho sự khôi phục nền Võ học Việt Nam.
Trong thời gian đi điền dã đến các làng võ, môn phái, gặp các võ sư lão thành để viết sách “Nguồn gốc - Đặc trưng Võ cổ truyền Bình Định”, tác giả chứng kiến các sử liệu, di chỉ, hiện vật quý hiếm về võ học bị tiêu hủy, thất lạc gần hết, kể cả trong thư viện và bảo tàng. Các võ sư cao niên qua đời gần hết, nhiều làng võ vang danh một thời giờ chỉ còn trong trí ức. Quá lo sợ nguy cơ mất gốc, bị hòa tan theo các dòng võ ngoại ngày càng lấn ép võ Việt, đầu năm 2001, ông quyết định từ bỏ chức vụ, dồn hết tâm lực, tự bỏ kinh phí cá nhân, phát tâm tiếp tục mở rộng phạm vi nghiên cứu, đi khắp mọi nơi gặp gỡ các dòng tộc uyên bác văn - võ, các võ sư kỳ cựu để sưu tầm, đúc kết và biên soạn tác phẩm Lịch sử Võ học Việt Nam và hoàn thành vào giữa năm 2012. Sách dày 800 trang, gồm 2 Chương, 12 Mục, trên 80 tiểu mục, trong đó, có nhiều sử liệu cổ về võ học, như: Võ Lý, Võ Kinh, Võ Trận, Võ Cử, Võ Y, Võ Nhạc, Võ Miếu… xuyên suốt từ thời lập quốc đến nay.

Ngày 21/9/2013, bộ sách Lịch sử Võ học Việt Nam của Võ sư Phạm Đình Phong vinh dự được Trường Đại học Kỷ lục Thế giới vinh danh và cấp bằng xác lập kỷ lục thế giới. Đồng thời, tác giả Phạm Đình Phong cũng được Trường Đại học này phong tặng Bằng Tiến sĩ danh dự quốc tế vì có những đóng góp xuất sắc trong lĩnh vực Võ học. Trước đó, ngày 23/4/2013, bộ sách Lịch sử Võ học Việt Nam cũng được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam vinh danh và cấp bằng xác lập kỷ lục Việt Nam: “Người viết sách Lịch sử Võ học Việt Nam đầu tiên”.

Sau khi sách Lịch sử Võ học Việt Nam được ấn bản, ngày 17/6/2012, tác giả đã tổ chức họp báo giới thiệu tác phẩm. Sau đó, ông cùng PGS.TS Lê Bửu, nguyên Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Thể dục - Thể thao thành kính dâng sách lên Quốc Tổ Hùng Vương (Phú Thọ), Hoàng Đế Quang Trung (Bình Định), Bảo tàng Hồ Chí Minh và Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) cầu nguyện cho quốc thái, dân an, võ dân tộc của tổ tiên tạo dựng được trường tồn, cường thịnh, không bị đồng hóa, đứt gốc. Đồng thời, tác giả đã kính tặng sách các Đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Tổng Cục Thể dục - Thể thao, Bộ Tư lệnh Hải Quân, Lữ đoàn Đặc công 429… 

Với cương vị Phó Chủ tịch Liên Đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Unesco Bảo tồn - Phát triển Văn hóa - Thể thao Dân tộc Việt, TS Phạm Đình Phong đã báo cáo thực trạng của Võ dân tộc cùng 4 đề đạt: Kính đề nghị Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các Bộ, ngành hữu quan sớm tôn vinh Võ dân tộc thành Quốc Võ như cách đây 200 năm Nhà Tây Sơn đã làm; Đưa Võ dân tộc vào danh mục “Di sản Văn hóa phi vật thể” của quốc gia, tiến tới lập Hồ sơ đệ trình lên Unesco công nhận Võ Việt Nam là “Di sản Văn hóa phi vật thể” của nhân loại, như: Taekwondo của Hàn Quốc, Thiếu Lâm Tự của Trung Quốc; Nghiên cứu xây dựng giáo trình đưa giảng dạy chính khóa trong trường học, huấn luyện võ chiến đấu trong Quân đội, Công an; Nghiên cứu đúc kết nâng cao thành môn võ có đẳng cấp quốc tế, để bảo tồn, giáo dục truyền thống, tự hào dân tộc, truyền bá ra thế giới và lưu lại đời sau khỏi mất gốc như nhiều nước châu Á đã thực thi. Ngoài ra, tác giả Phạm Đình Phong còn đề nghị các cơ quan hữu quan cho phép võ Việt được trở lại sử dụng “bộ chỏ”, “bộ gối” và được thi đấu trên võ đài như võ Muay Thái để bảo tồn, giữ vững truyền thống, phát huy tinh hoa, sức mạnh vốn có của võ Việt.

Hiện nay, sách đã tái bản và đưa ra các nhà sách lớn của TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội để phục vụ bạn đọc. Toàn bộ số tiền bán sách trên 80 triệu đồng được tác giả đưa vào Quỹ từ thiện và đã giúp các cháu mồ côi, các tài năng Võ Việt và các võ sư nghèo, bệnh tật… Đồng thời, đang khẩn trương chuyển ngữ thành tiếng Anh, tiếng Pháp, nhằm quảng bá rộng rãi đến các nước trên thế giới có điều kiện hiểu biết đầy đủ về truyền thống thượng võ, lịch sử võ học oai hùng, vĩ đại của Việt Nam. 

Những năm gần đây, Võ sư Phạm Đình Phong đã đề xuất Phòng Truyền hình, Báo Tuổi Trẻ làm bộ phim nhiều tập “Huyền thoại Miền Đất Võ” được người xem trong và ngoài nước đánh giá cao. Nhân sự kiện Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ 4 năm 2012, Võ sư Phạm Đình Phong đã hợp tác với Kênh truyền hình An Viên tiến hành dựng bộ phim “Làng Võ sông Côn” tham dự Liên hoan phim toàn quốc và xuất sắc giành giải nhất, góp phần tôn vinh, giới thiệu quê hương, con người, văn hóa Miền Đất Võ. 

Gặp Võ sư vào ngày đầu năm tại TP. Hồ Chí Minh, ông tâm sự, trong quãng đời còn lại sẽ dồn hết mọi tâm sức nhỏ bé của mình vào sự nghiệp bảo tồn, chấn hưng, truyền bá võ Việt Nam nhằm lưu lại con cháu mai sau di sản văn hóa thiêng liêng của tổ tiên mà cả đời ông luôn quyết chí dấn thân. Với sự nghiệp và công trình đồ sộ ấy, Kỷ lục gia, Tiến sĩ, Võ sư Phạm Đình Phong xứng danh là người con ưu tú quê hương “Đất võ Trời văn”.
Hoàng Tuấn "Báo điện tử Thanh Tra"
picture

Tiến sĩ Võ học

Phạm Đình Phong

Viện trưởng kiêm Trưởng Ban Quản Trị

picture
picture
picture
picture
picture
picture
picture
picture