pic_top pic_top1 pic_top3 pic_top4

"Người Việt Nam hãy tự hào, tôn vinh, ưu tiên học võ Việt Nam ***** Vì nền Võ học Dân tộc hùng mạnh, xứng tầm Lịch sử, vươn xa Thế giới ***** Người Việt Nam hãy tự hào, tôn vinh, ưu tiên học võ Việt Nam ***** Vì nền Võ học Dân tộc hùng mạnh, xứng tầm Lịch sử, vươn xa Thế giới *****Người Việt Nam hãy tự hào, tôn vinh, ưu tiên học võ Việt Nam ***** Vì nền Võ học Dân tộc hùng mạnh, xứng tầm Lịch sử, vươn xa Thế giới *****Người Việt Nam hãy tự hào, tôn vinh, ưu tiên học võ Việt Nam ***** Vì nền Võ học Dân tộc hùng mạnh, xứng tầm Lịch sử, vươn xa Thế giới *****Người Việt Nam hãy tự hào, tôn vinh, ưu tiên học võ Việt Nam ***** Vì nền Võ học Dân tộc hùng mạnh, xứng tầm Lịch sử, vươn xa Thế giới *****"

CỐ ĐẠI LÃO VÕ SƯ NGÔ BÔNG – HIỆN THÂN CỦA SỰ TRUYỀN TRAO DI SẢN TỪ QUÁ KHỨ

21:56:2913/10/2020

Để tưởng niệm vị ân sư, sư thúc Ngô Bông - Một cố Đại lão Võ sư tài đức vẹn toàn suốt một cuộc đời luôn luôn cống hiến sưu tầm và nghiên cứu những giá trị của nền võ học dân tộc Việt Nam. Với tâm huyết và nguyện vọng lúc sinh thời của người truyền thụ võ học cho những con người có đầy đủ nhân cách và tài đức vẹn toàn - Người bảo với tôi rằng: “Nếu không sẽ có hại cho môn phái và xã hội”. Vì lúc sinh tiền người hay bảo tôi như thế này: “trong võ phải có văn, VĂN DI TẢI TINH THẦN VÕ. VÕ GIÚP VĂN LUYỆN THÉP NHÂN VĂN”. Vì vậy, trong cuộc đời tôi luôn luôn khắc ghi với những bài thơ mà tôi đã viết cho vị ân sư đáng kính lúc người trút hơi thở cuối cùng và xa lìa khỏi thế gian để về với các vị tiền nhân.

Thầy là như đấng quân vương,

Như thân phụ mẫu soi đường con đi .

Ngày con chẳng biết lo gì,

Ơn thầy dạy dỗ khắc ghi trong lòng.

Giờ đây nước đục thành trong,

Công thành danh toại chẳng mong ước gì.

Ngày con cất bước ra đi,

Bôn ba đất khách khắc ghi trong lòng,

Bao giờ con mới trả xong,

Công lao dạy dỗ vỡ lòng ngày xưa.

Bí quyết độc thế chẳng chừa,

Thầy truyền thầy dạy cho vừa lòng con.

Dù cho sông cạn đá mòn,

Lòng Con vẫn nhớ ơn son của Thầy.

Cố Đại lão Võ sư Ngô Bông sinh vào năm 1928, tại Quảng Ngãi, thuở thiếu thời lúc còn bé ông là người con duy nhất của một gia đình nông dân nghèo khó ở xã Nghĩa Điền, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Lúc vào tuổi niên thiếu, ông đã sớm gặp hoạn nạn trong gia đình nên phải về sinh sống với nhà ngoại. Vì cha của ông là cụ Ngô Cưỡng bị thực dân Pháp bắt và mất năm 1941, vốn gia đình dòng tộc nội ngoại đều có truyền thống võ học chân truyền của dòng võ Tây Sơn Bình Định. Cho nên, đến lúc lên 11 tuổi ông đã được hai người cậu ruột là Lê chót và Lê Thùy truyền dạy võ thuật truyền thống căn bản của võ học Tây Sơn Bình Định, những bài võ mà Cố Đại lão Võ sư Ngô Bông đã tiếp thu thuần thục điêu luyện lúc còn trai trẻ gồm những bài võ như sau: “Hùng Kê Quyền, Hắc Hổ Du Sơn, Hắc Hổ Quyền, Bình Quang Long Hổ Quyền, Ngân Quyền, Khái Ất Quyền, Đơn Bảo Đao, Đoản Đao, Trường Côn, Tề Mi Côn, Thanh Long Kiếm Pháp, Hắc Long Kiếm Pháp, Thiên Bảo Đao”.

Đặc biệt, Cố Đại lão Võ sư Ngô Bông sinh ra và lớn lên tại quê hương Quảng Ngãi nhưng ông lại là một trong những danh sư lưu truyền và nắm giữ tinh hoa bí truyền, độc đáo của dòng võ Tây Sơn Bình Định để lưu truyền cho thế hệ học trò và con cháu hôm nay. Cũng như nhiều võ sư võ cổ truyền Việt Nam trên khắp đất nước, ông có một cơ duyên rất lớn là truyền nhân của Cố Võ sư Vương Tri Phong. Chính vì thế mà ông còn nắm giữ những bài thương độc đáo của nền võ học Tây Sơn Bình Định và Thiếu Lâm Bắc phái Hổ môn những bài thương như sau: “Song Long Thương Song Thương Quá Nguyệt, Lục Sơn Trấn Ngục Nhất Kim Thương, Đệ Nhị Song Long Thương, Tiểu Mã Thương Sát Thủ, Trung Thương Sát Thủ, Nghiêm Thương, Đại Thương Điểm Hầu Trung Cực, Thương Long Đại Pháp”.

Với tinh thần hiếu học, khổ luyện ngày đêm từ khoảng 17 đến 40 tuổi ông đã kiến tạo nên cho mình một thân tâm võ học hợp nhất. Ngoài việc khổ luyện dòng võ truyền thống Tây Sơn Bình Định, ông còn sưu tầm, tầm sư học đạo và khổ luyện thêm các môn võ của Thiếu Lâm Bắc phái Hổ môn và Boxing vào thập niên năm 1950 với các võ sư nổi tiếng ở Quảng Ngãi như Cố Võ sư Bảo Tri Phong và Cố Võ sư Lâm Võ. Nhờ vậy mà Cố võ sư Ngô bông nắm bắt thêm một số bài của Thiếu Lâm Bắc phái Hổ môn như: “Hắc Hổ Du Sơn, Phục Hổ Quyền, Hắc Hổ Hạ Sơn, Mỹ Nữ Soi Gương, Tiểu La Hán Thành, Tiểu La Hán Quyền, Lộ Tam Chiến, Phương Thiên Họa Kích Lữ Phụng Tiên, Long Hổ Quyền Pháp, Hồi Sơn Kiếm, Thái Cực Kiếm”. Võ thuật thì không thể xa rời với thực tiễn, cho nên ông cũng đã có nhiều lần thượng đài, Cố Võ sư Ngô Bông đã từng đánh những trận đài quyền anh và quyền tự do trong nhiều năm liền từ năm 1954 đến năm 1972. Thời gian đó, Cố Võ sư Ngô bông đã từng thi đấu võ đài ở các giải Đông Dương tại Lào và Campuchia và có một thời đã từng lừng danh trên các võ đài Việt Nam trước năm 1975. Các trận đánh nổi tiếng để đời và lưu lại cho hậu thế hôm nay như thắng Đinh Hổ tại Campuchia, thắng Đinh Đam tại Thị Nghè - Gia Định, thắng Hùng Trực Ninh tại võ đài Đà Nẵng... Sau 1975, ông trở về với cuộc sống thanh bạch nhưng đầy lòng đam mê võ học, luôn luôn hi sinh thầm lặng cho nền võ học Việt Nam và thế hệ mai sau. Kể từ ngày hôm đó trở đi, ông tập trung tâm lực và trí lực của mình vào công tác đào tạo, ông đã đào tạo nhiều võ sĩ khét tiếng là kiện tướng trong làng võ Việt Nam trong các thời kỳ đã qua, hiện tại họ cũng đã trở thành các đại võ sư, võ sư đang huấn luyện trên khắp đất nước Việt Nam.

Công lao to lớn đó đã giúp cho nền tảng truyền thống cho Võ học dân tộc Việt Nam thêm được củng cố trong thời kỳ hội nhập kể từ năm 1991 đến nay như: Lão Võ sư Phạm Đình Trang - Bình Thuận, Võ sư Nguyễn Văn Đạo - Quảng Ninh, Võ sư Hoàng - Thanh Hóa, Võ sư Bùi Văn Thiều -thành phố Hồ Chí Minh, Võ sư Ngô Dung - Tây Ninh, Võ sư Ngô Khẩn - Quảng Nam, Võ sư Ngô Thắng - thành phố Hồ Chí Minh... Tại quê hương Quảng Ngãi, các học trò của ông vẫn tiếp bước theo con đường của ông tiếp tục huấn luyện cho thế hệ trẻ nơi quê hương Quảng Ngãi của thầy như: Ngô Ngân, Ngô Tin, Ngô Ân. Ngô Tàu... đặc biệt, hai trong những người con của Cố Võ sư Ngô Bông khi còn thi đấu đều là kiện tướng quốc gia môn Võ cổ truyền và Boxing là Võ sư Ngô Lâm và Võ sư Ngô Sĩ. Võ sư Ngô Lâm hiện là trọng tài quốc tế và quốc gia môn Võ cổ truyền Việt Nam, Võ sư Ngô Sĩ hiện đang huấn luyện tại võ đường Ngô Bông tiếp bước truyền thống võ học mà người cha của mình đã gây dựng.

Trải qua mưa gió thăng trầm của lịch sử, đến năm 1991 Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam được chính thức thành lập, Cố Đại lão Võ sư Ngô Bông là một trong 13 vị lão võ sư được bầu vào Ban cố vấn của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam và Đại hội Chuyên môn Lần thứ nhất năm 1993 tại thành phố Hồ Chí Minh. Trong đại hội này, ông đã thị phạm lại bài thảo bộ Hùng Kê Quyền, tương truyền là bài quyền do Đông định Vương Nguyễn Lữ sáng chế dựa trên cơ sở nghiên cứu các thế đá của con gà chiến để khắc chế và phá các thế võ Mai Hoa Quyền của quân Thanh thời đó. Cố Đại lão Võ sư Ngô Bông trình bày trước đại hội bài Hùng Kê Quyền do ông nội của ông truyền lại, ông nội của ông là đệ tử chân truyền của Cố Võ sư Vương Tri Phong. Bài Hùng Kê quyền là một trong bốn bài quy định đầu tiên của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam, Ban Cố vấn và Ban Chuyên môn của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam đã công nhận Cố Đại lão Võ sư Ngô Bông là truyền nhân duy nhất của bài võ vô tiền khoáng hậu này, cũng từ đấy ông mang Hùng Kê Quyền biểu diễn truyền bá trên toàn lãnh thổ Việt Nam và đi khắp năm châu bốn bể.

Vào năm 2004, Liên hoan Võ thuật truyền thống Thế giới đã được tổ chức tại Chunggiu -  Hàn Quốc, danh chấn giới võ lâm trên toàn thế giới và một lần nữa Cố Đại lão Võ sư Ngô Bông dù đã ở 76 tuổi, nhưng ông đã thi triển những bài võ và khẳng định tài năng nêu cao tinh hoa Võ học Việt Nam trước sự chứng kiến của 70 môn phái võ thuật trên toàn thế giới. Bạn bè thế giới đã rất nhiệt liệt và khâm phục tinh hoa Võ học Việt Nam và tài năng của vị đại lão võ sư Việt Nam đầy nhiệt huyết với những kỹ thuật, kỹ năng điêu luyện của hai bài Hùng Kê quyền và Lục Sơn Trấn Ngục Nhất Kim Thương. Bản thân Cố Đại lão Võ sư Ngô Bông đã có một thành tích lẫy lừng mà trên đất nước Việt Nam dường như không có một võ sư nào sánh bằng. Từ năm 1993 đến năm 1995 được giấy khen của sở thể dục thể thao tỉnh Quảng Ngãi về sự cống hiến cho lĩnh vực võ học nói chúng và phát triển võ thuật tỉnh nhà nói riêng. Từ năm 1995 đến năm 2000 được bằng khen Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi về công lao đóng góp to lớn cho sự nghiệp phát triển võ học và con người. Năm 2001, ông được Bộ trưởng Nguyễn Danh Thái tặng kỷ niệm chương vì Sự nghiệp Giáo dục - Thể thao Việt Nam. Năm 2005 được Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam tặng bằng khen về sự cống hiến to lớn cho sự nghiệp võ học nước nhà. Ông đạt huy chương vàng toàn năng lứa tuổi trên 60 vào các năm: “huy chương vàng toàn năng năm 1995 tại Gia Lai, huy chương vàng toàn năng năm 1996 tại Nghệ An, huy chương vàng toàn năng năm 1997 tại Quảng Ngãi, huy chương vàng toàn năng năm 1998 tại Gia Lai, huy chương vàng toàn năng năm 1999 tại Bình Định, huy chương vàng toàn năng năm 2000 tại Bình Thuận”. Bên cạnh đó còn nhiều thành tích và những đóng góp to lớn khác cho võ học dân tộc và sự nghiệp phát triển con người Việt Nam mà trong khung khổ bài viết này không thể nào nói hết cho đầy đủ được.

Năm 2010, tại Milan nước Ý bộ phim đời Võ. Với nội dung kể về cuộc đời Võ nghiệp của Cố Đại lão Võ sư Ngô Bông đã vượt qua 400 phim cùng thể loại trên toàn thế giới, bộ phim đời võ diễn tả hành trình võ nghiệp của cuộc đời Cố Đại lão Võ sư Ngô Bông đã đoạt giải Quán quân của Liên hoan Điện ảnh - Truyền hình Thể thao Quốc tế và đây cũng là niềm tự hào cuối cùng cho Cố Đại lão Võ sư Ngô Bông. Vì sinh tử đã là quy luật của trời đất, vào năm 2011 trong một cơn tai biến, người đã ra đi vào cõi vĩnh hằng, trở về với tổ tiên đất nước Việt Nam. Võ thuật cổ truyền Việt Nam mất đi một cây cổ thụ trong làng võ học của nước nhà, hậu thế và và môn đồ của môn Phái Thiếu Lâm Bắc Phái Hổ Môn mất đi một bậc đại danh sư kỳ tài về võ học VIỆT NAM. Người đã ra đi nhưng để lại cho hậu thế một niềm tự hào to lớn và một kho tàng quý báu về võ học của dân tộc Việt Nam.

Cả một cuộc đời Cố Đại lão Võ sư Ngô Bông đã cống hiến tâm trí sức lực của mình cho sự nghiệp bảo tồn, phát huy, phát triển và truyền bá của nền Võ học dân tộc Việt Nam. Khi đã cao tuổi thì đem hết vốn liếng sở đắc cống hiến cho phong trào võ thuật cổ truyền nước nhà và điện ảnh Việt Nam với bộ phim đời võ trước khi người nhắm mắt xuôi tay đi về miền vĩnh cửu, xa rời nhân thế, môn đồ thân yêu để trở về với ông bà tổ tiên dân tộc.

Lão Võ sư Phạm Đình Trang

picture

Tiến sĩ Võ học

Phạm Đình Phong

Viện trưởng kiêm Trưởng Ban Quản Trị

picture
picture
picture
picture
picture
picture
picture
picture